1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Hà Nam:

“Thủ phủ” nuôi lợn miền Bắc lao đao trong cơn “bão giá”

(Dân trí) - Được xem là "thủ phủ" nuôi lợn, cung cấp lợn thịt cho nhiều tỉnh thành phía Bắc, nhưng hiện nay các hộ chăn nuôi lợn ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đang điêu đứng trong cơn “bão giá” siêu rẻ, siêu bèo, khiến người chăn nuôi đứng ngồi không yên.

Lợn đến ngày xuất, vẫn không muốn bán

Từ mô hình chăn nuôi lợn phát triển của những hộ dân ban đầu, người dân Ngọc Lũ bắt đầu mở chuồng trại chăn nuôi, làm giàu từ lợn. Cũng chính nhờ chăn nuôi lợn mà kinh tế của người dân nơi đây mỗi ngày một phát triển, từ những người dân nghèo, Ngọc Lũ bây giờ cũng chẳng thiếu “tỷ phú nông dân”. Theo thống kê, hiện nay xã Ngọc Lũ có hơn 2.000 hộ dân thì có hơn 1.000 hộ nuôi lợn.

Người chăn nuôi điêu đứng vì giá lợn xuống thấp kịch sàn
Người chăn nuôi điêu đứng vì giá lợn xuống thấp kịch sàn

Nhưng đến cuối năm 2016, đầu năm 2017 giá lợn bỗng “lao dốc không phanh” khiến nhiều hộ chăn nuôi ở Ngọc Lũ điêu đứng vì giá lợn quá rẻ mạt khi các thương lái Trung Quốc bỗng dưng ngừng nhập hàng.

Người chăn nuôi ở xã Ngọc Lũ cho biết, chưa bao giờ giá lợn lại rớt thê thảm như hiện nay, nhiều nhà chăn nuôi từ trước cho biết, kinh nghiệm trước đây, giá lợn xuống rồi sẽ lên nhanh chóng, nhưng lần này giá lợn lao dốc từ 56 nghìn đồng/kg thịt hơi xuống chạm đáy còn 28 đến 29 nghìn đồngkg và không có biến chuyển tăng lên.

Nhiều gia đình không dám tái đàn vì chưa biết bao giờ giá lợn mới khởi sắc.
Nhiều gia đình không dám tái đàn vì chưa biết bao giờ giá lợn mới khởi sắc.

Theo tính toán của người chăn nuôi, họ mua lợn giống từ 42 - 45 kg với mức giá từ 75-78 nghìn đồng/kg lợn hơi. Nuôi tầm 5 tháng thì có thể xuất chuồng, nhưng với mức giá như hiện nay họ sẽ lỗ từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/con. Còn hộ tự nhân giống ở chuồng trại, họ lỗ ít nhất là 1 triệu đồng/con.

Chính vì giá lợn lao dốc không phanh, nên nhiều hộ chăn nuôi có đàn lợn xuất chuồng vẫn không dám bán, vì bán rồi họ lỗ quá nặng, chưa chắc trả đủ tiền cám cho đại lý, chứ đừng nghĩ đến việc lấy vốn tái đàn chăn nuôi.

Bà Trần Thị Hòa, ở xóm 6, xã Ngọc Lũ cho biết: “Gia đình tôi nuôi gần 200 con, mỗi con cũng đến 1 tạ, đã đến ngày xuất chuồng nhưng giờ không dám bán, vì bán đi lỗ to quá, thôi cứ cầm chừng xem giá lợn có lên không?”.

Người chăn nuôi xã Ngọc Lũ cho biết thêm, vì giá lợn quá thấp, nên từ thời điểm giáp Tết, sau Tết nhà nào liên hoan cũng đều mổ lợn, có gia đình còn chung nhau mổ lợn chia ra ăn dần, vì bán cũng chả thấm vào đâu so với mức đầu tư.

Xã ước tính thiệt hại ít nhất 200 tỷ đồng trong cơn “siêu bão” hạ giá

Người dân ở xã Ngọc Lũ chủ yếu là chăn nuôi làm giàu, đến Ngọc Lũ hầu hết các diện tích đất nông nghiệp đều bỏ hoang vì ô nhiễm quá nặng. Khi cơn bão giá quét qua, nhiều hộ dân điêu đứng nhưng cũng đánh liều tái đàn lợn để kinh doanh, vì họ chẳng biết làm gì khác ngoài nuôi lợn.

Theo những người chăn nuôi cho biết, thiệt hại nặng nề nhất là những gia đình trẻ mới tách ra ở riêng nên vào chăn nuôi, họ không có vốn như những gia đình đã chăn nuôi trước đó có lãi. Trải qua việc này, họ gần như trắng tay, nhưng vẫn tiếp tục vay vốn hi vọng giá lợn có thể khởi sắc.

Nhiều đàn lợn đã đến lúc xuất chuồng, nhưng người chăn nuôi vẫn không muốn bán hoặc không bán được vì giá quá thấp
Nhiều đàn lợn đã đến lúc xuất chuồng, nhưng người chăn nuôi vẫn không muốn bán hoặc không bán được vì giá quá thấp

Theo ông Trần Đình Thiện, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục cho biết, ở Ngọc Lũ nhà nào nuôi lợn ít thì cũng 50 con, nuôi nhiều thì đến 2000 con, có nhà lỗ ít thì trăm triệu đồng, còn lỗ nặng có thể lên đến 10 tỷ đồng.

Ông Thiện chia sẻ: “Chưa bao giờ giá lợn lại thấp kịch sàn như hiện nay, nhiều gia đình thấy lợn xuống cứ vơ vào mua con giống, vì theo kinh nghiệm là giá lợn xuống chỉ dăm bữa, nửa tháng rồi lại lên, nhưng không ngờ cứ lao dốc không phanh, khiến người đầu tư càng chết dở”.


.Ông Trần Đình Thiện, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ cho biết, với giá lợn thấp như hiện nay, xã Ngọc Lũ mất ít nhất 200 tỷ đồng.

.Ông Trần Đình Thiện, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ cho biết, với giá lợn thấp như hiện nay, xã Ngọc Lũ mất ít nhất 200 tỷ đồng.

Ông Thiện cho biết thêm, hiện nay xã có hơn 1.100 hộ đang chăn nuôi lợn, nếu tính giá thiệt hại cứ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/con cho người mua con giống và 1 triệu cho người tự nhân giống, thì năm nay xã Ngọc Lũ sẽ mất trắng ít nhất là 200 tỷ đồng vì giá lợn xuống dốc.

Cùng chung cảnh ngộ với người chăn nuôi lợn, nhiều đại lý cám cũng lao đao vì giá lợn xuống dốc khiến người chăn nuôi dè chừng. Đặc biệt, nhiều gia đình chăn nuôi do thua lỗ nên chưa trả hết số tiền cám đã mua của đại lý từ trước.


Anh Nguyễn Văn Toàn, chủ đại lý thức ăn gia súc Toàn Thu cho biết doanh số bán cám gần như giảm hẳn

Anh Nguyễn Văn Toàn, chủ đại lý thức ăn gia súc Toàn Thu cho biết doanh số bán cám gần như giảm hẳn

Anh Nguyễn Văn Toàn, chủ đại lý thức ăn gia súc Toàn Thu cho biết: “Thông thường đại lý bán cám cho người chăn nuôi, khoảng 3 đến 5 tháng họ sẽ bán lợn và trả tiền cho đại lý. Nhưng hiện nay, họ bán lợn thua lỗ nên chỉ trả được phần nào, rồi họ dùng tiền quay vòng tái đầu tư”.

Anh Toàn cũng cho biết thêm, giá cám hiện nay không xuống, nhiều đại lý phải giảm lợi nhuận của chính mình để chia sẻ với người chăn nuôi trong lúc khó khăn. Nhưng cứ như giá lợn hiện nay năng suất bán hàng giảm sút, nhiều đại lý ở xã phải đóng cửa.

Diện tích ruộng đồng bỏ hoang ở Ngọc Lũ là rất nhiều, người dân ở đây chủ yếu là chăn nuôi lợn
Diện tích ruộng đồng bỏ hoang ở Ngọc Lũ là rất nhiều, người dân ở đây chủ yếu là chăn nuôi lợn

Cách đây hơn chục năm, Ngọc Lũ bị coi là điểm nóng ma túy, ma túy như cơn bão càn quét qua khiến nhiều gia đình tan nát…Trong mớ bộn bề, hỗn độn, Ngọc Lũ quyết tâm xây dựng và vực dậy nền kinh tế đang “héo hon”. Từ nuôi lợn, người dân Ngọc Lũ phất lên trông thấy, nhưng cứ như tình trạng hiện nay, nhiều gia đình đang lâm vào cảnh khốn đốn.

Đức Văn