Đắk Nông:
Thủ phủ hồ tiêu điêu đứng trước “bão”, người bể nợ, người bỏ nhà đi
(Dân trí) - Giá “vàng đen” tụt dốc thảm hại khiến người nông dân đứng trước nguy cơ lỗ nặng. Thế nhưng trong cơn “bão giá”, hàng trăm hộ dân lại tiếp tục điêu đứng trước dịch bệnh, khiến gần 2000 ha hồ tiêu tại thủ phủ hồ tiêu Đắk Song nhiễm bệnh, chết khô. Nhiều hộ dân lâm cảnh nợ nần, phải bỏ nhà đi nơi khác chỉ vì tiêu mất giá, dịch bệnh.
Hàng nghìn ha hồ tiêu tại huyện Đắk Song – thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông đang bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt. Giá tiêu khô trên thị trường hiện hơn 50.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/4 so với cách đây 3 – 4 năm và thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Mất giá cùng với tiêu nhiễm bệnh rồi chết trên diện rộng đã khiến nhiều hộ nông dân điêu đứng.
Nhìn vườn hồ tiêu xơ xác, chết khô, ông Nguyễn Văn Thu (thôn Đắk Kual 5, xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song) chua xót cho biết, cách đây 5 năm, thấy giá hồ tiêu cao, gia đình đã phá bỏ vườn cà phê chuyển sang trồng 1.400 trụ tiêu.
Ngoài nguồn vốn tích lũy, gia đình ông đã thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng 250 triệu đồng để đầu tư chăm sóc cho vườn cây. Năm ngoái, hồ tiêu cho thu bói thì giá cả “tụt dốc”. Năm nay bắt đầu vào vụ thu chính thì bỗng dưng vườn tiêu vàng lá rồi chết sạch. Từ thời điểm tiêu có hiện tượng vàng lá đến khi chết khô diễn ra chỉ khoảng một tuần khiến gia đình không kịp trở tay. Bao nhiêu công sức, vốn liếng của gia đình đã tiêu tan.
Cạnh rẫy nhà ông Thu, hơn 1.700 trụ tiêu năm thứ 7 của gia đình ông Nguyễn Hữu Hương cũng chết khô. Bà Là (vợ ông Hương) cho biết, hiện tượng tiêu chết bắt đầu từ khoảng giữa tháng 8 trở lại đây. Ban đầu, hồ tiêu xuất hiện tình trạng cháy nửa lá, sau đó vài ngày thì vườn cây chết rũ toàn bộ. Để cứu vườn tiêu, gia đình cũng mời các kỹ sư về tư vấn và mua gần 50 triệu đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật về phun nhưng không hiệu quả.
“Gia đình bỏ ra cả tỷ đồng để đầu tư, chưa kịp thu hồi vốn thì vườn cây chết sạch. Trắng tay rồi!”, bà Là rơm rớm nước mắt.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng thôn Đắk Kual 5, xã Đắk N’drung ngao ngán cho hay, trên địa bàn thôn có khoảng 700 ha hồ tiêu. Những năm trước đây, giá hồ tiêu tăng cao và ổn định nên người dân ồ ạt phát triển, bất chấp khuyến cáo của ngành chuyên môn. Hệ lụy là dịch bệnh bùng phát làm nhiều diện tích hồ tiêu chết ồ ạt, cùng với hồ tiêu liên tục rớt giá khiến nhiều nông dân lâm vào cảnh nợ nần.
“Qua thống kê ban đầu, trên địa bàn thôn đã có hàng trăm ha tiêu nhiễm bệnh và chết. Nhà ít thì vài trăm trụ, nhà nhiều lên đến cả chục héc ta. Tiêu chết, nợ nần ngân hàng nhiều, hộ nhiều nhất là 3,5 tỷ, ít là 100 triệu. Bây giờ bà con không có chỗ nào để trả nợ nên đến nay, trong thôn đã có 3 hộ bỏ nhà đi khỏi địa phương. Bây giờ nhìn chung là 2/3 là tiêu chết rồi, tới đây còn chết nữa. Nắng vầy khoảng một tháng nữa là đổ hết. Tiêu mới trồng cũng chết, già cũng chết”, ông Thiện cho hay.
Vườn tiêu rộng gần 8ha của anh Đoàn Văn Bằng (thôn Thuận Nghĩa tại xã Thuận Hà, huyện Đắk Song) chỉ sau hơn một tháng cũng vàng lá rồi chết trụi, bất chấp những nỗ lực cứu chữa. Chủ vườn đã cho nhổ trụ lên chờ… thanh lý, và trồng khoai lang, củ cải để vớt vát.
Anh Bằng cho hay, lúc đầu là hồ tiêu giống như bị cháy lá bình thường, như kiểu mình xịt thuốc cỏ cháy vào. Sau đó một, hai ngày là nó dần dần rụng lá, cành, rồi chết. Bệnh này có mua thuốc về chữa cũng không khỏi nên gia đình đành bất lực, tiêu hủy những trụ bị bệnh để khỏi lây sang các trụ khác.
Theo các hộ dân, từ thời điểm tiêu có hiện tượng vàng lá đến khi chết khô chỉ diễn ra chưa đầy một tuần khiến họ không kịp trở tay. Nhiều hộ tốn hàng chục triệu đồng để mua thuốc trừ bệnh nhưng không hiệu quả. Bao nhiêu công sức, vốn liếng của gia đình đã tiêu tan.
Ông Trịnh Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk N’Drung cho biết, có những hộ chết lên đến 7.000 – 8.000 trụ, và đến hôm nay theo báo cáo là chết 63ha, với khoảng 80.000 trụ cộng với diện tích đang lây khoảng trên 40ha nữa.
Huyện Đắk Song có hơn 15.000 ha hồ tiêu, chiếm phân nửa diện tích tiêu của tỉnh Đắk Nông. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn đã có gần 2000 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh (chết nhanh, chết chậm, bệnh đen lá tiêu…); hơn 200 ha hồ tiêu đã chết hoàn toàn.
Ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đắk Song xác định, hiện tượng hồ tiêu nhiễm bệnh và chết hàng loạt là do năm nay thời tiết ở tỉnh Đắk Nông mưa quá nhiều. Điều này dẫn đến cây tiêu bị nhiễm nhiều loại nấm (phytophthora sp, Pythium…), vi khuẩn, tuyến trùng. Ngoài ra, nhiều diện tích hồ tiêu còn bị úng nước. Mặt khác, trong canh tác, nhiều bà con quá lạm dụng các loại phân bón không phù hợp, thuốc bảo vệ thực vật không đúng theo khuyến cáo của các ngành chức năng.
Hiện nay, Phòng Nông nghiệp huyện Đắk Song đang triển khai một số giải pháp để khống chế dịch bệnh lây lan trên cây hồ tiêu, nhằm hạn chế đến mức tối đa thiệt hại cho người dân. Trước hết, đơn vị triển khai hướng dẫn bà con cách chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh trên cây hồ tiêu. Đối với những trụ tiêu đã chết thì gom lại tiêu hủy đúng cách. Phòng còn hướng dẫn người dân áp dụng đồng bộ, hiệu quả quy trình kỹ thuật quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm, chết hại.
Dương Phong