1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thu phí tiền gửi ngoại tệ: Cần thận trọng, cân nhắc kỹ!

(Dân trí) - Nhằm triệt tiêu động cơ găm giữ, đầu cơ ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết có thể sẽ tiến tới thu phí tiền gửi ngoại tệ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính sách này trước khi áp dụng cần phải có đánh giá tác động kỹ lưỡng và thận trọng cân nhắc.

Trong một thông điệp được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đưa ra khi trao đổi trên báo chí thì trước mắt người dân vẫn có quyền rút ngoại tệ, nhưng NHNN không khuyến khích việc này. Tới đây, không loại trừ khả năng NHNN áp dụng mức lãi suất âm, nghĩa là người gửi ngoại tệ sẽ phải trả phí.

Đây được coi là một trong những biện pháp mạnh tay mà NHNN đang tính đến để triệt tiêu động cơ găm giữ, đầu cơ ngoại tệ.

Việc nắm giữ ngoại tệ không được khuyến khích
Việc nắm giữ ngoại tệ không được khuyến khích

Ngoài ra, ông Bình cũng cho biết, NHNN sẽ điều hành tỷ giá (VND/USD) bằng tỉ giá trung tâm. Tỷ giá trung tâm sẽ thay đổi thường xuyên, thậm chí hằng ngày, hôm nay NHNN có thể công bố tỉ giá này và ngày mai công bố tỉ giá khác. Khi đó, ai có nhu cầu thật mới mua, còn nếu đầu cơ thì nguy cơ thua lỗ, rủi ro rất lớn.

“Cộng với giải pháp về lãi suất như tôi nói ở trên thì những ai giữ đô la Mỹ sẽ không yên vì không biết như thế nào, có thể lỗ vì lãi suất và cũng có thể lỗ tỉ giá trong ngày” – Thống đốc phân tích.

Đích cuối của những biện pháp mà lãnh đạo NHNN đề ra là triệt tiêu động cơ nắm giữ USD trong dân và đổi sang VND. Đồng thời, các chính sách này cũng sẽ khiến giới đầu cơ ngoại tệ “chùn tay” và sẽ không còn mặn mà với việc “đánh quả” ngắn hạn.

Trao đổi với PV Dân trí, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, đây mới chỉ là dự kiến của cơ quan điều hành và sẽ còn có tham vấn ý kiến. Ông Lực liên tục nhấn mạnh: “Quan điểm của tôi là NHNN cần phải cân nhắc, tính toán thật cẩn thận và kỹ lưỡng điều này”.

Cụ thể, theo phân tích của ông Lực, có những nhu cầu của người dân về ngoại tệ là chính đáng. Việc thu phí ngoại tệ có thể hiểu là một khoản chi phí đánh vào tiền gửi. Trong khi đó, nếu áp dụng đại trà thì có thể sẽ gặp phải phản ứng từ các doanh nghiệp FDI hay các quỹ nước ngoài.

Trong trường hợp này, theo ông Lực, có thể NHNN sẽ có chính sách riêng để phân biệt ngoại tệ gửi vào của cá nhân và của doanh nghiệp. Song kể cả việc chỉ tính phí, đánh thuế với tiền gửi của người dân mà không áp dụng với doanh nghiệp thì cũng sẽ xuất hiện những trường hợp lách quy định như đứng tên doanh nghiệp chứ không phải cá nhân để gửi USD.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong thì phân tích, thông thường nhu cầu gửi USD của doanh nghiệp chủ yếu để thanh toán còn nhu cầu của người dân là để lấy lãi suất.

“Bây giờ không có lãi suất thì doanh nghiệp vẫn gửi thôi nhưng người dân thì họ sẽ "chạy" dưới dạng nắm giữ tài sản khác, hoặc là gửi sang nước ngoài để lấy lãi suất ở nước ngoài”, ông Phong nhận định.

Theo vị chuyên gia, trong ngắn hạn có thể để lãi suất gửi ngoại tệ bằng 0, còn về dài hạn thì cần cân nhắc thêm do trong bối cảnh gửi USD ở Mỹ và các nước khác có lãi suất mà ở Việt Nam không có thì về logic sẽ có thể có trường hợp “chảy máu ngoại tệ”.

Theo báo cáo “Billionaire Census 2014” của Wealth-X và UBS (ngân hàng Thụy Sĩ) thì năm ngoái Việt Nam có 2 tỷ phú đô la với tổng tài sản khoảng 3 tỷ USD.

Còn một tài liệu ghi nhận về khách hàng từ năm 1988 đến 2007 tại chi nhánh Thụy Sĩ do một nhân viên cũ của HSBC tiết lộ vào năm 2007 thì giai đoạn này có 26 khách hàng liên quan đến Việt Nam với tổng tài sản 37,5 triệu USD. Như vậy, rõ ràng là vẫn có một bộ phận người giàu đang nắm giữ lượng lớn USD và nguồn USD này đã bị tuồn ra nước ngoài, nhất là tại những quốc gia được coi là “thiên đường thuế” hoặc có lãi suất tiền gửi cao.

Bích Diệp

 

Thu phí tiền gửi ngoại tệ: Cần thận trọng, cân nhắc kỹ! - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm