Chính sách tỷ giá năm 2016 có gì đặc biệt?
(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố chính sách điều hành tỷ giá mới được áp dụng từ năm 2016. Đó là chính sách tỷ giá linh hoạt, không còn bị neo cứng mà điều chỉnh theo ngày, có lên có xuống…
Theo nguồn tin của phóng viên Dân trí, ngày 28/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có cuộc họp kín với các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước về chính sách tỷ giá mới sẽ được triển khai trong năm 2016.
Được biết, chính sách tỷ giá mới được áp dụng theo hướng linh hoạt theo hướng có tăng, có giảm. Theo đó, những tham số được NHNN dùng để tham chiếu cho tỷ giá tham chiếu là tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng trên thị trường, chỉ số kinh tế vĩ mô, cung cầu ngoại tệ trong nước và diễn biến ngoại tệ trên thị trường thế giới…
Được biết, các chuyên gia tham dự buổi họp trên đánh giá cao cách thức điều hành tỷ giá mới mà Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện để đưa vào điều hành thực tiễn. Điều quan trọng là cơ chế này thể hiện được tính linh hoạt có lên, có xuống phản ánh diễn biến trên thị trường ngoại tệ trong nước và đặc biệt là thị trường quốc tế vốn tác động khá lớn đến biến động tỷ giá USD/VND trong thời gian gần đây.
Theo cách thức điều hành này, tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố có tham chiếu vào tỷ giá giao dịch trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng theo trọng số giao dịch, cho phép tỷ giá Ngân hàng Nhà nước công bố biến động tăng/giảm theo diễn biến thực tế trên thị trường. Tuy nhiên, sự biến động này nằm trong phạm vi hẹp đảm bảo sự ổn định của tỷ giá, không biến động mạnh như cách tham chiếu theo tỷ giá đóng cửa mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và một số ngân hàng trung ương đang làm.
Bên cạnh yếu tố trong nước, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố còn tham chiếu theo biến động của đồng USD với các đồng tiền khác trên thị trường quốc tế, vốn có nhiều tác động lên diễn biến tâm lý trên thị trường trong nước thời gian qua. Theo đánh giá, việc kết hợp diễn biến trong nước và quốc tế sẽ cho phép tỷ giá phản ứng linh hoạt, kịp thời tình hình cung - cầu trên thị trường, tạo ra đệm đỡ tự động hỗ trợ quá trình hội nhập ngày càng sâu của nền kinh tế.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng hé lộ kế hoạch thực hiện các nghiệp vụ phái sinh trong giao dịch giữa Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại. Có thể nói, đây là một bước đi sáng tạo của Ngân hàng Nhà nước trong việc làm phong phú thêm danh mục các công cụ điều hành, qua đó tăng cường hiệu lực, hiệu quả các biện pháp can thiệp nhằm định hướng tỷ giá thị trường theo mục tiêu điều hành, đảm bảo cung - cầu ngoại tệ, đồng thời là cú hích hỗ trợ sự phát triển thị trường phái sinh ngoại tệ trong nước.
Một chuyên gia cho hay: Kế hoạch thực hiện các nghiệp vụ phái sinh trong giao dịch giữa Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại cho thấy cơ quan điều hành đã nghiên cứu, chuẩn bị rất kỹ lưỡng để có thể đưa ra các giải pháp mang tính đồng bộ nhằm quản lý và điều hành có hiệu quả thị trường ngoại tệ.
Tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết: Tỷ giá USD/VND sẽ được điều chỉnh linh hoạt hơn.
“Việc điều hành tỷ giá linh hoạt trong năm 2016 được rút ra bài học từ việc điều hành trong năm 2015. Thị trường ngoại hối, tỷ giá 2015 và đặc biệt thời gian qua cho thấy thị trường trong nước tác động lớn từ tâm lý và diễn biến trên thị trường quốc tế”, bà Hồng cho biết.
Trong 5 năm qua, tỷ giá được điều hành theo chế độ tỷ giá trong biên độ. Từ cuối năm 2011, nhằm hạn chế tối đa những bất ổn, xáo trộn lớn trên thị trường ngoại tệ, NHNN đã áp dụng cơ chế tỷ giá ổn định, định hướng và cam kết ổn định. Điều này đã góp phần giúp ổn định vĩ mô, gia tăng dự trữ ngoại hối, hạn chế đô la hóa, nâng cao vị thế VND.
2015 là năm biến động của thị trường thế giới và Việt Nam đã chịu tác động trực tiếp của những biến động như: Fed điều chỉnh lãi suất và Nhân dân tệ phá giá để vào rỏ tiền tệ thế giới. Do đó, NHNN đã phải 3 lần điều chỉnh tỷ giá với mỗi lần điều chỉnh là 1% và 2 lần nâng biên độ giao dịch từ +/-1% lên +/-3%. Cùng với đó, thị trường luôn xuất hiện tâm lý kỳ vọng tỷ giá sẽ còn tăng tiếp và đẩy giá USD lên kịch trần biên độ cho phép.
Tại cuộc họp của ngành ngân hàng cuối tuần qua, thông điệp mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình gửi tới các ngân hàng thương mại về cơ chế điều chỉnh tỷ giá linh hoạt đã tác động và làm hạ nhiệt thị trường. Trên thị trường, cuối buổi sáng qua 28/12, nhiều ngân hàng đã giảm mạnh giá giao dịch USD, giá bán đã chính thức rời xa mức trần quy định 22.547 VND.
Trước đó, kể từ sáng 18/12, lãi suất tiền gửi bằng USD cá nhân cũng đã được NHNN giảm về 0%. NHNN cho hay: Để tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, chuyển từ quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ.
Đây là lần thứ 2 liên tiếp trong gần 3 tháng lãi suất tiết kiệm USD được điều chỉnh giảm. Ngày 28/9, lãi suất tiền gửi bằng USD áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) giảm từ 0,25% xuống còn 0%/năm; mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm, giảm tới 0,5%/năm.
Sự điều chỉnh này của NHNN được thực hiện trong bối cảnh Fed tăng lãi suất và đồng Nhân dân tệ lien tục giảm giá. Ở thị trường trong nước, tỷ giá USD/VND được các ngân hàng thương mại niêm yết kịch trần biên độ: 22.547 VND/1 USD.
Theo đánh giá của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, diễn biến tỷ giá trong nước tăng mấy ngày vừa qua chủ yếu là do yếu tố tâm lý trước sự kiện Fed họp để quyết định việc tăng lãi suất đồng USD lên 0,25% và diễn biến giảm giá của đồng Nhân dân tệ trong những ngày vừa qua.
Đối với cung cầu ngoại tệ, hiện đang có những diễn biến tích cực. Việt Nam có xuất siêu khoảng 500 triệu USD trong tháng 10 và tiếp tục xuất siêu khoảng 260 triệu USD trong tháng 11. Số liệu về giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng trên 17% so với cùng kỳ. Dòng kiều hối tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Nguyễn Hiền