1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thu phí không dừng: Dự án lỗ nặng 300 tỷ đồng, “đại gia” BOT vẫn nhảy vào

(Dân trí) - Lỗ nặng ở dự án thu phí không dừng, liên danh Tasco - VETC kiến nghị được trả lại nhà nước dự án này hoặc chuyển nhượng cho một doanh nghiệp khác là Tập đoàn Đèo Cả.

Thu phí không dừng: Dự án lỗ nặng 300 tỷ đồng, “đại gia” BOT vẫn nhảy vào - 1
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tasco ví thu phí tự động như “miếng xương”, làm rồi mới thấy sai lầm.

Lỗ nặng cả trăm tỷ đồng - miếng xương khó nhằn?

Với thế mạnh của mình, liên danh Tasco - VETC từng được Bộ Giao thông Vận tải chỉ định là nhà đầu tư thực hiện dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1.

Sân chơi này sau đó lần lượt xuất hiện một loạt doanh nghiệp nhảy vào, tưởng chừng như thu phí không dừng giống như “miếng bánh” hấp dẫn.

Tuy nhiên, nói với PV thời điểm đó, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tasco ví thu phí tự động như “miếng xương”, làm rồi mới thấy sai lầm.

Quả thực, liên danh này đang gặp phải “miếng xương” khi dự án ngấp nghé nguy cơ đổ bể với số lỗ lên tới hàng trăm tỷ đồng sau 5 năm thực hiện. Kết quả, chủ đầu tư buộc phải lên kế hoạch “bán” dự án cho một doanh nghiệp khác – Tập đoàn Đèo Cả.

Trong văn bản gửi Bộ GTVT, Công ty VETC đã đề nghị Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển giao dự án hoặc nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả dự án.

Lý giải cụ thể, VETC cho biết, giai đoạn 1 đã qua 5 năm triển khai (từ tháng 11/2014). Tuy vậy, tới nay mới lắp đặt hệ thống thu phí tự động tại 27/44 trạm thu phí, số đã lắp đặt mới có 23 trạm đang vận hành.

Số vốn đã giải ngân cho dự án khoảng 1.300 tỷ đồng. Dù vậy, công ty VETC mới ký được hợp đồng dịch vụ thu phí tự động với 11/44 trạm thu phí. Số trạm còn lại chưa ký được phụ lục hợp đồng và hợp đồng dịch vụ.

Các nhà đầu tư BOT chưa đồng ý mức phí trích lại cho đơn vị thu phí tự động; chờ đồng thuận của ngân hàng, địa phương; không đồng ý đàm phán để ký hợp đồng; hoặc đồng ý mức phí trích nhưng xin trả chậm...

Đại diện VETC thừa nhận, việc các nhà đầu tư BOT không hợp tác triển khai thu phí tự động đã ảnh hưởng tới tiến độ dự án, dù theo chỉ đạo của Thủ tướng lộ trình thực hiện thu phí tự động phải xong trước 31/12/2019.

Lỗ 300 tỷ đồng, Tập đoàn Đèo Cả vẫn muốn nhảy vào

Theo VETC, lỗ luỹ kế đến 30/9/2019 là 300 tỷ đồng. Đến nay nhà đầu tư (Công ty CP Tasco) đã phải cung ứng vốn tương ứng với số lỗ luỹ kế như đã nêu để bù đắp dòng tiền duy trì công tác vận hành.

“Nếu hết năm 2020, triển khai xong 44 trạm thì công ty VETC lỗ luỹ kế cho công tác vận hành khoảng 500 tỷ đồng. Nếu hết năm 2020 chỉ triển khai được 36 trạm mà chưa triển khai được các trạm của VEC và VIDIFI thì công ty VETC lỗ luỹ kế cho công tác vận hành 580 tỷ đồng”, VETC cho biết.

Như vậy có nghĩa là, đến hết năm 2020, ngoài vốn chủ sở hữu tham gia dự án là 278 tỷ đồng thì Công ty CP Tasco còn phải bổ sung thêm để bù lỗ vận hành là 580 tỷ đồng.

VETC cho rằng, nếu không giải quyết được dứt điểm, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng vận hành thu phí không dừng mà thậm chí còn có nguy cơ phá sản.

Mặc dù dự án lỗ nặng và những nút thắt gây ra tình trạng nêu trên khá phức tạp song một “đại gia” trong lĩnh vực BOT – Tập đoàn Đèo Cả vẫn hy vọng có thể thu được lợi nhuận từ dự án này với việc thay đổi cách quản trị, đầu tư!?!

Một số báo đưa tin, Tasco đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét chấp thuận việc hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả để tiếp tục thực hiện Dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe toàn quốc giai đoạn 1 (dự án BOO1).

Cụ thể, Tasco sẽ nhượng cho Đèo Cả nắm ít nhất 65% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Thu phí tự động VETC là doanh nghiệp dự án thực hiện Dự án BOO1. Hai bên được cho là đã đạt được những thỏa thuận sơ bộ về việc hợp tác này.

Tuy nhiên, trao đổi với Dân trí, ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả lại phủ nhận việc mua bán cổ phần trong thương vụ này. Theo vị này, trước mắt mức độ tham gia dự án chỉ dừng ở việc quản trị và điều hành dự án. Cụ thể, người của Tập đoàn Đèo Cả sẽ tham gia các vị trí chủ chốt của VETC như Chủ tịch, Phó chủ tịch, bộ máy tài chính kế toán… 

Ông Thế nhấn mạnh, vẫn chưa có bất kỳ ký kết gì về việc mua bán, sở hữu cổ phần. Việc này nếu có, ông Thế cho biết sẽ được thực hiện sau này khi mà Kiểm toán độc lập, Kiểm toán Nhà nước xác định lại giá trị của doanh nghiệp.

Với số vốn chủ sở hữu 300 tỷ đồng, ông Thế cho rằng “không phải khó khăn với Tập đoàn Đèo Cả” song vốn cũng chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm. Bởi theo ông Thế, khó khăn, vướng mắc lớn nhất của dự án thu phí tự động không dừng hiện nay chính là mâu thuẫn giữa chủ đầu tư BOT và doanh nghiệp dự án VETC.

Vị này cho rằng, cách triển khai dự án thu phí tự động không dừng như hiện nay là chưa phù hợp. Các nhà đầu tư BOT đã có văn bản ý kiến với Hiệp hội các nhà đầu tư hạ tầng giao thông rằng đã không được đàm phán khi triển khai thu phí tự động không dừng.

"Công ty thu phí tự động không dừng đàm phán với Bộ Giao thông Vận tải ký hợp đồng BOO sau đó mang thiết bị đến lắp đặt mà nhà đầu tư BOT không biết. Mức phí cũng do cơ quan khác ấn định mà họ không được biết. Một số nhà đầu tư còn phàn nàn mức thu phí không dừng thấp chỉ đạt 20-30% nhưng phải trả mức phí tính trên tổng doanh thu thực tế. Do đó, nhà đầu tư BOT không đồng ý với mức trích trả cho VETC và muốn đàm phán lại", Phó chủ tịch Đèo Cả cho biết.

Trong khi đó, về phương án trả lại nhà nước khi “vỡ” tài chính của VETC, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) bình luận: Không thể “đòi” làm đến khi không hiệu quả lại đòi trả dự án cho nhà nước. Nếu lỗi không triển khai đúng tiến độ do VETC thì doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm, còn nếu do nhà đầu tư BOT, cao tốc không triển khai thì phải chấp nhận dừng thu phí.

Trong khi đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, bản thân VETC, các nhà đầu tư BOT, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền như Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải phải xem xét lại trách nhiệm của mình và quá trình thực hiện dự án vướng ở đâu để tháo gỡ.

Nguyễn Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm