Thù lao 10 triệu đồng, ông Trịnh Văn Quyết tăng "sốc" tài sản nhờ cổ phiếu

(Dân trí) - Tuần qua ghi vào lịch sử cổ phiếu FLC khi về được mệnh giá sau gần 1 thập kỷ, đẩy tài sản ông Trịnh Văn Quyết trên sàn lên mạnh trong khi thù lao Chủ tịch FLC được công bố là 10 triệu đồng/tháng.

Thù lao 10 triệu đồng, ông Trịnh Văn Quyết tăng sốc tài sản nhờ cổ phiếu - 1

Cổ phiếu FLC và các kế hoạch của ông Trịnh Văn Quyết "dậy sóng" thị trường chứng khoán tuần qua (Ảnh: FLC).

FLC muốn bán thêm 497 triệu cổ phiếu huy động gần 5.000 tỷ đồng

Trong dự thảo của Hội đồng quản trị dự kiến trình ĐHĐCĐ diễn ra vào 12/4 tới, FLC có kế hoạch chào bán xấp xỉ 497 triệu cổ phiếu FLC cho cổ đông hiện hữu với tổng giá trị chào bán theo mệnh giá là 4.970 tỷ đồng. Nếu chào bán thành công thì số lượng cổ phiếu của FLC sẽ nâng lên trên 1,2 tỷ đơn vị.

Mức giá chào bán sẽ được ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định phù hợp với tình hình thực tế khi triển khai thực hiện đợt chào bán. Tỷ lệ chào bán là 10:7, tức mỗi cổ đông tại thời điểm chốt danh sách cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu cũ được quyền mua thêm 7 cổ phiếu mới.

Tỷ lệ chào bán thành công tối thiểu đối với đợt chào bán cổ phiếu là 70% số lượng cổ phiếu chào bán.

HĐQT FLC cho biết, nếu huy động thành công, 4.500 tỷ đồng sẽ được dành đầu tư thực hiện các dự án tại các tỉnh thành. Còn lại gần 470 tỷ đồng sẽ được bổ sung vốn lưu động.

Tờ trình dự thảo do ông Trịnh Văn Quyết ký cũng cho thấy, thù lao trong năm 2020 cho Chủ tịch , Phó Chủ tịch và các thành viên HĐQT tại FLC là 10 triệu đồng/người/tháng theo đúng phê duyệt của ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.

FLC chính thức vượt mệnh giá

Phiên giao dịch sáng 25/3 là phiên ghi vào lịch sử của cổ phiếu FLC, đánh dấu lần đầu tiên trong suốt gần 1 thập kỷ qua, cổ phiếu FLC đã về được mệnh giá .

Cụ thể, mặc dù đã có thời điểm FLC bị bán rất mạnh do chịu ảnh hưởng của thị trường chung, lùi về 9.360 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên sau đó, mã này vẫn đạt được mức tăng 3,2% lên 10.100 đồng khi tạm kết phiên buổi sáng.

Còn nhớ, trong sự kiện giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu FHH của Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLC Homes hồi cuối năm 2019, ông Quyết từng nói "sẽ không để cổ phiếu FLC dưới mệnh giá trong năm 2020".

Theo Chủ tịch FLC, giá cổ phiếu sẽ cao gấp nhiều lần giá trị như hiện tại, nếu không được 10 lần thì ít nhất cũng là 5 lần, 7 lần, 8 lần....

Thời điểm đó, ông Quyết cũng gửi lời xin lỗi cổ đông vì cổ phiếu FLC chưa về được mệnh giá mà vẫn đang ở mức trên 4.000 đồng/cổ phiếu. Điều này khiến kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng tiếp tục không được thực hiện do giá phát hành cao hơn giá trên thị trường.

Mặc dù phải mất hơn 3 tháng sau mới đạt được mục tiêu, song lời hứa cổ phiếu "về mệnh" của Chủ tịch FLC đã thực hiện được.

Tài sản đại gia Trịnh Văn Quyết tăng mạnh tuần qua nhờ diễn biến "sốc" của cổ phiếu

Sau chuỗi phiên giao dịch đầy ấn tượng trong tuần qua, FLC kết thúc phiên cuối tuần 26/3 với mức tăng mạnh 5,7% lên 11.050 đồng. Mã này có lúc đã được giao dịch ở mức giá trần 11.150 đồng trước khi hạ biên độ.

Đáng chú ý, khối lượng giao dịch khớp lệnh tại FLC rất lớn, lên tới 52,55 triệu cổ phiếu. Điều này hàm ý rằng, một lượng cổ phiếu lớn của FLC đã được nhà đầu tư chốt lời để hiện thực hóa lợi nhuận, đồng thời cũng có không ít nhà đầu tư tiếp tục đổ tiền vào "đu đỉnh" cổ phiếu với kỳ vọng FLC sẽ còn tăng mạnh.

Chỉ tính riêng trong tuần giao dịch vừa qua, FLC đã có tới 3 trên 5 phiên tăng trần, 2 phiên tăng giá suýt soát kịch biên độ. Chỉ trong 1 tuần, thị giá SHB đã tăng tới 37,78% và tăng tới gần 76% chỉ trong 1 tháng, tăng 157% trong 3 tháng và so với 1 năm trước đã tăng gần 288%.

Bên cạnh FLC thì ART cũng tăng hơn 19% trong tuần giao dịch vừa rồi với 3 phiên tăng trần. Mã này ghi nhận tăng 47% trong vòng 1 tháng và tăng tới 226% trong 1 năm trở lại đây.

ROS tăng 3,48% trong tuần dù có liên tiếp 3 phiên điều chỉnh giảm. Mã này cũng đã tăng 22,35% trong 1 tháng qua và tăng hơn 69% trong vòng 3 tháng trở lại đây.

Hiện tại, ông Trịnh Văn Quyết đang sở hữu trên 3,15 triệu cổ phiếu ART, hơn 215,4 triệu cổ phiếu FLC, hơn 23,7 triệu cổ phiếu ROS và trên 7 triệu cổ phiếu GAB. Tổng giá trị chứng khoán của ông Quyết vào khoảng 3.857 tỷ đồng, xếp thứ 27 trong danh sách người giàu trên thị trường chứng khoán.

Những con số nói trên chưa bao gồm giá trị cổ phiếu BAV của Bamboo Airways mà ông Quyết là một trong những cổ đông lớn nhất của hãng bay. BAV dự kiến niêm yết trên HSX hoặc HNX vào quý 3 tới với giá khởi điểm lên tới 60.000 đồng/cổ phiếu. Nếu được tiến hành theo đúng kế hoạch, giá trị cổ phần của ông Trịnh Văn Quyết tại Bamboo Airways được định giá khoảng 20.000 tỷ đồng.

Chứng khoán bị bán tháo và diễn biến bất ngờ của SHB

Trong phiên bán tháo ngày 26/3, SHB có lẽ là mã gây choáng váng nhất khi đổi trạng thái chỉ trong chớp mắt. Mã này có lúc giảm về mức giá 17.100 đồng. Tới thời điểm 11h27 vẫn còn được giao dịch tại 17.700 đồng/cổ phiếu, nhưng chỉ 1 phút sau, tức đến 11h28, SHB đã tăng trần lên 19.500 đồng.

Thù lao 10 triệu đồng, ông Trịnh Văn Quyết tăng sốc tài sản nhờ cổ phiếu - 2

Diễn biến gây sửng sốt của SHB khi từ "đổi màu" chỉ trong vòng 2 phút (ảnh chụp màn hình).

Đóng cửa, SHB cũng là mã có khớp lệnh "khủng" nhất thị trường . Khối lượng khớp tại mã này lên tới gần 80 triệu cổ phiếu. Với mức thanh khoản này, SHB là mã cổ phiếu xác lập kỷ lục chưa từng có trong lịch sử về thanh khoản đối với một mã ngân hàng.

Giá trị giao dịch khớp lệnh của SHB lên tới 1.522 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ đối với một ngân hàng nhỏ chỉ là 3.000 tỷ đồng và với riêng SHB trên 17.500 tỷ đồng. Mới đây, ngày 17/3, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết đã hoàn tất việc điều chỉnh giảm số lượng chứng khoán đăng ký của SHB để giảm vốn điều lệ.

SHB hủy đăng ký trên 4,8 triệu chứng khoán, giảm vốn điều lệ xuống tương ứng 48,24 tỷ đồng. Sau khi điều chỉnh giảm, số chứng khoán đăng ký còn lại đạt trên 1,75 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị chứng khoán đăng ký hơn 17.510 tỷ đồng.

Nguyên nhân điều chỉnh giảm này là do nhà đầu tư đã nộp tiền không phù hợp với quy định khi tham gia mua cổ phần góp vốn tại SHB.