Ông Trịnh Văn Quyết nhận thù lao 10 triệu đồng, lộ lý do FLC "nổi sóng"?

Mai Chi

(Dân trí) - FLC dự kiến sẽ họp ĐHĐCĐ thường niên vào tháng 4 tới với kế hoạch chào bán gần 500 triệu cổ phiếu thu về gần 5.000 tỷ đồng. Trước thông tin này, cổ phiếu FLC tăng mạnh và hiện đã tiệm cận mệnh giá.

Ông Trịnh Văn Quyết nhận thù lao 10 triệu đồng, lộ lý do FLC nổi sóng? - 1

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT FLC - tại một sự kiện của tập đoàn này (Ảnh: FLC).

Theo kế hoạch, ngày 12/4 tới, Tập đoàn FLC sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021. Ngoài nội dung thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021, thông tin đáng chú ý là tại phiên họp này, Hội đồng quản trị (HĐQT) sẽ trình phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.

Theo dự thảo, FLC sẽ chào bán xấp xỉ 497 triệu cổ phiếu FLC cho cổ đông hiện hữu với tổng giá trị chào bán theo mệnh giá là 4.970 tỷ đồng. Nếu chào bán thành công thì số lượng cổ phiếu của FLC sẽ được nâng lên trên 1,2 tỷ đơn vị.

Mức giá chào bán sẽ được ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định phù hợp với tình hình thực tế khi triển khai thực hiện đợt chào bán. Tỷ lệ chào bán là 10:7, tức mỗi cổ đông tại thời điểm chốt danh sách cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu cũ được quyền mua thêm 7 cổ phiếu mới.

Tỷ lệ chào bán thành công tối thiểu đối với đợt chào bán cổ phiếu là 70% số lượng cổ phiếu chào bán. Trong trường hợp cổ phiếu không phân phối hết theo dự kiến và số lượng vốn huy động không đạt đủ như dự kiến, HĐQT FLC sẽ cân nhắc điều chỉnh cơ cấu vốn (sử dụng nguồn vốn vay, vốn huy động khác để thực hiện kế hoạch đầu tư).

Theo trình bày của HĐQT FLC, toàn bộ tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu (dự kiến 4.970 tỷ đồng) sẽ được sử dụng để đầu tư thực hiện các dự án bất động sản và bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn.

Cụ thể, 4.500 tỷ đồng sẽ được dành đầu tư thực hiện các dự án tại các tỉnh thành. Còn lại gần 470 tỷ đồng sẽ được bổ sung vốn lưu động.

Ông Trịnh Văn Quyết nhận thù lao 10 triệu đồng, lộ lý do FLC nổi sóng? - 2

Chi tiết kế hoạch sử dụng vốn huy động thêm của FLC (Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ).

Thông tin này đã tiếp tục đẩy giá cổ phiếu FLC trên thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch 24/3. Trong bối cảnh thị trường giảm sâu với 713 mã giảm, 24 mã giảm sàn trên toàn thị trường, FLC vẫn tăng mạnh 6,6% lên 9.790 đồng với khối lượng khớp lệnh cực lớn, đạt tới 42,6 triệu đơn vị. Như vậy, FLC sẽ chỉ còn một khoảng cách nhỏ để về mệnh giá.

Trong khi đó, VN-Index giảm 21,64 điểm tương ứng 1,83% còn 1.161,81 điểm; HNX-Index giảm 3,65 điểm tương ứng 1,34% còn 268,69 điểm và UPCoM-Index giảm 0,65 điểm tương ứng 0,8% còn 80,5 điểm.

Dự thảo báo cáo của HĐQT FLC với ĐHĐCĐ thường niên tới đây cũng cho hay, trong năm 2021, tập đoàn này có kế hoạch phát triển và ra mắt gần 20 dự án, trong đó nhiều dự án đã và đang được triển khai tại nhiều tỉnh, thành như Hà Nội,  Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum, Đồng Tháp.

Cũng trong năm nay, Bamboo Airways sẽ tiếp tục mở rộng mạng bay với việc đẩy mạnh khai trương các tuyến bay mới, mục tiêu nâng số lượng máy bay trong đội bay lên ít nhất 50 chiếc... 

Tập đoàn của đại gia Trịnh Văn Quyết dự kiến tiếp tục tuyển mới khoảng 3.000 nhân sự trên toàn hệ thống. Riêng mảng hàng không chiếm trên 30% với nhu cầu lớn về nhân lực phi công, kỹ thuật và tiếp viên để đáp ứng kế hoạch vận hành 50 máy bay của Bamboo Airways năm 2021.

Trước đó, trong năm 2020, Bamboo Airways được cho biết đã khai thác xấp xỉ 40% số chuyến bay và sản lượng khách so với cùng kỳ 2019, thị phần đạt gần 20%, tăng gần gấp 2 lần so với năm trước. So với năm 2019, số lượng phi công và tiếp viên của hãng trong năm 2020 đã tăng tới 20% trong khi tổng số nhân sự tăng 17%.

Tờ trình dự thảo do ông Trịnh Văn Quyết ký cũng cho thấy, thù lao trong năm 2020 cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên HĐQT tại FLC là 10 triệu đồng/người/tháng theo đúng phê duyệt của ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.