1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

FLC chính thức vượt mệnh giá: Lời hứa muộn màng của đại gia Trịnh Văn Quyết

Mai Chi

(Dân trí) - Mặc dù trễ hẹn hơn 3 tháng mới đạt được mục tiêu, song lời hứa cổ phiếu "về mệnh" của Chủ tịch FLC đã thực hiện được.

Phiên giao dịch sáng nay (25/3) là phiên ghi vào lịch sử của cổ phiếu FLC, đánh dấu lần đầu tiên trong suốt gần 1 thập kỷ qua, cổ phiếu FLC đã về được mệnh giá.

Cụ thể, mặc dù đã có thời điểm FLC bị bán rất mạnh do chịu ảnh hưởng của thị trường chung, lùi về 9.360 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên sau đó, mã này vẫn đạt được mức tăng 3,2% lên 10.100 đồng khi tạm kết phiên buổi sáng.

FLC chính thức vượt mệnh giá: Lời hứa muộn màng của đại gia Trịnh Văn Quyết - 1

FLC sau chặng đường đằng đẵng gây nhiều thất vọng với nhà đầu tư, đến nay cũng đã về mệnh giá (ảnh chụp màn hình).

Khối lượng khớp tại FLC vẫn rất "khủng" lên tới gần 35 triệu đơn vị. Trong khi dư bán khiêm tốn thì tại vùng giá 10.000 đồng, mã này vẫn đang còn chất dư mua lên tới trên 15 triệu đơn vị. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ rất đáng kể cho FLC để không "thủng" vùng mệnh giá.

Còn nhớ, trong sự kiện giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu FHH của Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLC Homes hồi cuối năm 2019, ông Quyết từng nói "sẽ không để cổ phiếu FLC dưới mệnh giá trong năm 2020".

Theo Chủ tịch FLC, giá cổ phiếu sẽ cao gấp nhiều lần giá trị như hiện tại, nếu không được 10 lần thì ít nhất cũng là 5 lần, 7 lần, 8 lần....

Thời điểm đó, ông Quyết cũng gửi lời xin lỗi cổ đông vì cổ phiếu FLC chưa về được mệnh giá mà vẫn đang ở mức trên 4.000 đồng/cổ phiếu. Điều này khiến kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng tiếp tục không được thực hiện do giá phát hành cao hơn giá trên thị trường.

Mặc dù phải mất hơn 3 tháng sau mới đạt được mục tiêu, song lời hứa cổ phiếu "về mệnh" của Chủ tịch FLC đã thực hiện được.

Đến nay, cổ phiếu FLC đã tăng rất mạnh tới hơn 40% chỉ trong vòng 1 tuần và gần 67% trong 1 tháng qua. Nhiều nhà đầu tư đã đạt được lợi nhuận "khủng" từ mã này, do đó, áp lực bị chốt lời đối với FLC là không nhỏ.

Nhìn chung, đà tăng của FLC vẫn tương đối khỏe trong bối cảnh thị trường sáng nay rung lắc dữ dội khiến nhiều nhà đầu tư phải "thót tim". Đây được cho là phiên sẽ ấn định xu hướng của thị trường chứng khoán Việt Nam liệu có bị rơi vào rủi ro "down trend" hay không.

Với sự hỗ trợ của dòng tiền, mỗi lúc chỉ số xuống sâu tại vùng 1.155 điểm, lập tức cầu bắt đáy lại đẩy VN-Index hồi phục trở lại. Tạm kết phiên, VN-Index đã neo được trên vùng tham chiếu, tăng 5,51 điểm tương ứng 0,47% lên 1.167,32 điểm.

Trong khi đó, HNX-Index cũng đã thoát hiểm ngoạn mục, "hồi sinh" từ vùng 266,4 điểm về 268,76 điểm, tăng nhẹ 0,07 điểm tương ứng 0,02%. UPCoM-Index nhích nhẹ 0,03 điểm tương ứng 0,03% lên 80,52 điểm.

Thanh khoản thị trường đạt 506,18 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng giá trị giao dịch 12.143,53 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối lượng giao dịch đạt 66,46 triệu cổ phiếu tương ứng 889,33 tỷ đồng và con số này trên sàn UPCoM là 31,47 triệu cổ phiếu tương ứng 498,29 tỷ đồng.

Trong sự hồi phục của thị trường sáng nay, cổ phiếu lớn đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là "ông lớn" VIC của Vingroup.

VIC sáng nay tăng 3% lên 111.100 đồng, đóng góp tới 2,86 điểm cho VN-Index. Bên cạnh đó, STB tăng 2,7%; CTG tăng 1,8%; PNJ tăng 1,7%; VJC tăng 1,2%; HDB tăng 1% đã góp phần đưa VN30-Index tăng gần 6 điểm, đồng thời kéo VN-Index khỏi tình huống nguy hiểm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm