Thu hoa hồng ít hơn Grab, Uber “đối tác” vẫn phân vân về Mai Linh bike

(Dân trí) - Mai Linh bike đã ra mắt một thời gian, nhưng dường như vẫn chưa thực sự thu hút được sự quan tâm, sử dụng của không chỉ khách hàng mà ngay cả đội ngũ tài xế hay còn được gọi là đối tác cũng vô cùng phân vân.

Phân vân với sự lựa chọn mới

Trong các nhóm xe ôm công nghệ trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ thấy mức chiết khấu của Mai Linh 15%, thấp hơn Uber, Grab nên cũng có ý định tham gia. Nhưng chỉ dưới hình thức, thêm một “kênh” để làm, chạy song song với cả Uber, Grab, chứ không làm riêng Mai Linh.

Hồ Quốc Dũng cũng đang làm tài xế cho Grab và Uber cho rằng: “Theo ý kiến của tôi, đơn giản là có thêm 1 kênh để làm. Mọi người có thể đang chạy Grab, Uber, nếu cài thêm 1 ứng dụng nữa cũng không ảnh hưởng gì. Ứng dụng nào “nổ” (có khách đặt) sớm thì chạy trước thôi.”

Nhiều tài xế chạy luôn cả 3 ứng dụng một lúc
Nhiều tài xế chạy luôn cả 3 ứng dụng một lúc

Ra đời sau, nhưng Mai Linh Bike hiện đã có mặt tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Tuy nhiên, theo cánh tài xế đã đăng ký chạy Mai Linh bike thì nó giống Grab, Uber đến 95%.

Dưới góc độ tài xế, Bùi Phương – nữ sinh viên năm 2 đang theo học tại Hà Nội cho rằng: “Lúc đi đăng ký xong Mai Linh bike và chạy thì cảm thấy không thể bằng 2 hãng kia được. Mặc dù phía Mai Linh có nói rằng ưu thế của họ là ở chỗ lượng khách quen từ taxi và lượng khách dùng thẻ thanh toán.”

“Nhưng lý do là bởi, chế tài phạt tài xế của Mai Linh gắt hơn Uber hay Grab. Chưa thấy thưởng đâu mà toàn thấy phạt. Tuy các chế tài phạt như: cảnh cáo, khóa tài khoản, cắt thưởng,... với các lỗi thiếu đồng phục, sai xe, sai người,...cũng tương đối giống của Grab, nhưng lại toàn “đánh” vào kinh tế. Trong khi đó, các hãng kia hầu như chỉ bắt đi học lại”, Phương bức xúc.

Tuy có 2 tháng đầu không phải chia doanh thu cho Mai Linh nhưng Phương than thở: “Thực ra ngay cả Uber hiện cũng chưa cạnh tranh được với Grab, còn Mai Linh thì khó lắm. Mang tiếng ưu đãi cho oai vậy, chứ 2 tháng đầu làm gì có khách. Có hôm chạy được cả chục cuốc Grab rồi mà Mai Linh chưa “nổ” cuốc nào.”

Ưu điểm là có thể bắt xe ở địa điểm chi tiết
Ưu điểm là có thể bắt xe ở địa điểm chi tiết

“Thế nhưng, Mai Linh bike vẫn có ưu điểm, đó là cách định vị khác so với Grab. Nó có thể định vị khá chính xác những địa điểm mà Grab “bó tay”. Các tài xế Grab, Uber thường khó chịu khi khách đặt xe ở một điểm dễ định vị, sau đó bắt tài xế đi thêm khá xa để đón”, Phương cho biết thêm.

Dịch vụ gì để Mai Linh cạnh tranh?

Chia sẻ về những ngày đầu chạy Mai Linh bike, Quang Huy - sinh viên năm 3 Y Dược cho biết: “Vì là sinh viên nên tôi chỉ chạy xe ôm vào thời gian rảnh, trung bình một ngày bỏ ra 4 tiếng đồng hồ. Trước tôi có chạy cả Grab, nhưng hiện tài xế Grab đang rất đông khiến cho công việc ít hẳn, thu nhập không được như trước nên tôi đăng ký thêm Mai Linh bike”

“Do Mai Linh chưa quảng cáo nhiều, nên khách hàng chưa biết đến dịch vụ. Tài xế gặp khó khăn trong việc nổ cuốc xe, và thường xuyên phải với đón khách ở khá xa”, Huy nói.

Rất ít bắt gặp tài xế Mai Linh trên đường
Rất ít bắt gặp tài xế Mai Linh trên đường

Nhưng hiện theo Huy, có một dịch vụ thu hút tài xế hơn của Mai Linh, đó là dịch vụ Premium cho xe máy. Huy cho biết: “Xe 2 bánh trên 50 triệu đồng sẽ được tham gia đăng kí làm tài xế nhưng chưa rõ ngày triển khai. Nên tôi sẽ dừng chạy một thời gian, chờ dịch vụ này ra thì chạy tiếp.”

“Mà không chỉ mình, có khá nhiều tài xế Grab trong nhóm cũng quan tâm và hỏi về dịch vụ này. Chưa biết Mai Linh đã nghiên cứu thị trường cho dịch vụ này chưa. Nhưng nếu khách hàng hưởng ứng thì may ra mới có thể cạnh tranh được”, Huy nói.

Sở dĩ cậu bạn này quan tâm tới dịch vụ này vì, với loại hình Premium (xe hạng sang, có dịch vụ tốt hơn), mức giá sẽ là 20.000 đồng/2km đầu tiên và 7.000 đồng/km tiếp theo.

Ngoài ra Huy cho biết: “Chưa kể hiện nay, xe chạy Grab mà xấu thường bị khách hủy chuyến, làm tài xế mất công sức, tiền bạc qua đón. Nên dịch vụ này có thể sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu thích “sang chảnh” của khách hàng.”

“Nói đi cũng phải nói lại, với giá tiệm cận với taxi của Uber và Grab thì cũng khá khó cho khách. Vì hiện nay, chủ yếu khách muốn đi xe ôm vì giá rẻ, chứ ít đi vì “oai”, nên hình thức này chỉ thực sự hút tài xế”, Huy nhận định.

Cuộc chiến tam mã, tài xế đi tìm lợi ích riêng

Cánh tài xế xe ôm công nghệ hiện nay nhiều người chọn việc chạy cả 3 ứng dụng để kiếm thêm thu nhập. Nhưng mỗi ứng dụng lại có những điểm khiến các tài xế muốn “đào tẩu”.

Nhiều tài xế cho rằng Uber hiện giờ đang có vấn đề, vì giá quá rẻ và phải đón khách rất xa. Chỉ những khách không đặt được Grab thì mới qua Uber nên tỷ lệ gặp khách “củ chuối” cao.

Bắt xe bằng ứng dụng Mai Linh bike tại bến xe Gia Lâm nhưng không có xe nào gần bến, mà đứng ở khá xa
Bắt xe bằng ứng dụng Mai Linh bike tại bến xe Gia Lâm nhưng không có xe nào gần bến, mà đứng ở khá xa

Mai Linh bike thì quá ít khách, đợi “dài cổ” cả ngày cũng chưa nổ cuốc nào, trong khi các ứng dụng kia chạy được cả chục chuyến rồi.

Phần của Grab, nghe có vẻ lạ vì tài xế đông nhưng khách lại không đặt được xe. Đó là bởi, các tài xế Grab cho rằng, mức giá trên ứng dụng quá rẻ mạt mà chiết khấu hoa hồng về công ty lại cao.

Quang Huy cho biết: “Tài xế bây giờ hầu hết đều có mánh khóe khôn cả rồi. Ví dụ như ra bến Mỹ Đình thấy rất đông tài xế nhưng khách khó đặt xe hoặc nếu đặt được thì thường là tài xế Grab từ khu khác chạy đến đón khách.”

“Còn tài xế Grab đứng trước cổng bến xe sẽ chờ để mặc cả với khách, thấy giá hợp lý thì họ chở. Trước đây, 15% chiết khấu đồng nghĩa với việc dùng định vị theo đường ô tô, nên nhiều cuốc xe đi đường tắt vẫn có thể “ăn” được giá trên bản đồ. Giờ đường đã bị chỉnh thành đường “chim bay” nên tài xế toàn bắt khách ngoài”, Huy cho biết thêm.

Thế Hưng

Thu hoa hồng ít hơn Grab, Uber “đối tác” vẫn phân vân về Mai Linh bike - 5