Quảng Nam:
Thu hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi ếch kết hợp ba ba trong bể lót bạt
(Dân trí) - Ông Nguyễn Thanh Khuê (thôn Thanh Ly 1, xã Bình Nguyên, Thăng Bình, Quảng Nam) đã thành công với mô hình nuôi ếch kết hợp ba ba trong bể lót bạt, giúp ông thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bén duyên với nghề từ chương trình “nhà nông làm giàu”, nhận thấy mô hình nuôi ếch kết hợp với ba ba khá hiệu quả của một hộ dân ở Cần Thơ. Sau đó, ông tất tả khăn gói lên đường vào Cần Thơ “tầm sư học đạo” rồi đặt mua 100 cặp ếch bố mẹ cùng 50 cặp ba ba giống về nuôi thử nghiệm với giá hơn 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, ban đầu do chưa có kinh nghiệm, nguồn nước không đảm bảo nên số ếch lẫn ba ba đều bị dịch bệnh rồi chết gần hết. Không nản lòng, ông tiếp tục vay mượn rồi quay trở lại Cần Thơ bổ sung kiến thức và chọn mua thêm con giống về nuôi. Để trang bị kiến thức, kỹ năng chăn nuôi, hằng ngày ông đều dành thời gian để lên mạng, đọc sách báo tìm hiểu các mô hình, kỹ thuật nuôi kết hợp.
Từ những gì học được, ông bắt đầu quy hoạch lại trang trại các vùng nuôi ba ba, ếch đảm bảo theo kỹ thuật riêng với hình thức lấy ngắn nuôi dài. Nhận thấy việc lót bạt trong bể khi chăn nuôi không những sạch sẽ, dễ vệ sinh mà nước trong bể cũng mát hơn, tiết kiệm nguồn thức ăn, dễ chăm sóc và phát hiện bệnh sớm; chi phí đầu tư thấp hơn 4-5 lần so với bể xi măng thông thường, nhưng hiệu quả lại cao hơn. Ông bắt đầu cho cải tạo lại toàn bộ các bể đều dùng bạt lót, và hiệu quả ngoài sự mong đợi.
Hiện trang trại ông có hơn 200 cặp ếch bố mẹ (giống Thái Lan) và 10.000 con ba ba (giống Đài Loan) các loại chuẩn bị cho xuất chuồng
Giai đoạn nuôi ếch bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 9 thì kết thúc. 3 tháng còn lại là 3 tháng ngủ đông của ếch, ếch phải núp bèo sống trong bóng tối và không ăn uống gì, xấu xí không được chuộng.
Hiện tại, gia đình ông đầu tư 8 bể, mỗi bể như vậy ông cho nuôi khoảng 1,2-1,5 vạn con tùy kích thước bể. Từ giai đoạn nòng nọc, đến ếch con, rồi ếch thịt được phân bể, chăm sóc, cho ăn theo những kỹ thuật nghiêm ngặt để đạt tỉ lệ con giống chất lượng, năng suất cao.
Cứ một năm nuôi ếch ông Khuê cho xuất bán 3 lần, mỗi lần cung ứng ra thị trường từ 100.000-120.000 ếch giống với giá 1.200 đồng/con và từ 4-5 tấn ếch thịt ra thị trường với giá 50-55 ngàn đồng/kg. Còn về ba ba, mỗi năm ông cung ứng ra thị trường từ 7.000 đến 8.000 con ba ba giống với giá 12.000 đồng/con (giống 1 tháng nuôi). Tổng doanh thu từ mô hình nuôi ếch và ba ba kết hợp trong bể lót bạt sau khi trừ chi phí giúp ông thu về từ 350 - 400 triệu đồng/năm.
Ông Khuê cho biết: “Nuôi ếch chăm sóc đơn giản nhưng lợi nhuận cao, nuôi thả đồng lứa và chỉ cần lưu ý một số bệnh thường gặp như bệnh đường ruột, bệnh đầy hơi. Vì vậy phải phòng bệnh kịp thời bằng cách xử lý nước thường xuyên mỗi ngày 2 lần, một tuần sẽ tổng vệ sinh sát trùng một lần để phòng bệnh. Bên cạnh đó, việc chọn lọc giống nuôi rất quan trọng phải chọn con giống tốt, bố mẹ sinh trưởng khỏe mạnh, nguồn nước nuôi ếch đảm bảo sạch sẽ và an toàn, chất lượng thức ăn cũng đặc biệt chú trọng… sẽ cho con ếch khỏe mạnh, sinh trưởng tốt”.
Ông Khuê cho biết thêm, với ba ba thì thức ăn chủ yếu là cá tạp xay nhỏ, sau hơn 1 năm nuôi ba ba mẹ có thể sinh sản và đẻ trứng. Một con ba ba mẹ có thể đẻ từ 60 - 70 quả trứng, sau khi đẻ ra thì tiến hành cho ấp trứng và bán con giống.
Điều quan trọng trong nuôi ba ba là phải đảm bảo nguồn nước sạch sẽ. Bên cạnh đó, sau khi bán hết giống thì cần phải xử lý ao nuôi bằng vôi bột, sau đó cho phơi khô khoảng 1 tuần rồi tiếp tục thả con giống. Con giống thả phải đảm bảo mật độ phù hợp, không quá dày.
Hiện tại, nhu cầu thị trường về ếch và ba ba rất cao. Trong thời gian tới, ông dự định sẽ tăng thêm bể nuôi của mình lên 40 bể vì thị trường dồi dào, 8 bể của ông không đủ đáp ứng. Đồng thời tạo điều kiện về nguồn giống cung ứng cho bà con tại địa phương có nhu cầu nuôi, để cùng nhau làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
N.Linh