1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thủ đoạn lừa đảo bán hàng giả mới: Lợi dụng người nổi tiếng, chia sẻ trên mạng xã hội

(Dân trí) - Tại diễn đàn “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp” diễn ra sáng nay (26/11) tại Hà Nội, đại diện Bộ Công thương đã cảnh báo tới người tiêu dùng hàng chục thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội.

Thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh, với gần 40 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, đi đôi với sự phát triển này thì các vụ vi phạm cũng diễn ra mạnh mẽ không kém. Thậm chí, quy mô và cách thức ngày một tinh vi và khó nắm bắt.

Trong đó, các nhóm mặt hàng như thực phẩm, đồ điện tử công nghệ, quần áo, giày dép, mỹ phẩm,…bị làm giả nhiều nhất.

Các loại hàng hoá này hiện nay đang được tiêu thụ tràn lan và mạnh mẽ trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng đã liên tục tiến hành kiểm tra, kiểm soát nhưng với nhiều thủ đoạn, các đối tượng này vẫn lách qua các khe cửa hẹp để tiêu thụ hàng.

Thủ đoạn lừa đảo bán hàng giả mới: Lợi dụng người nổi tiếng, chia sẻ trên mạng xã hội  - 1

Thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội đang diễn ra rất mạnh mẽ, nhất là dịp cuối năm

Qua quá trình theo dõi, Trưởng phòng quản lý hoạt động Thương mại điện tử (Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương), ông Nguyễn Hữu Tuấn còn chỉ ra hàng chục loại hình kinh doanh lừa đảo trên mạng xã hội.

Đáng chú ý nhất theo ông Tuấn là hiện nay, nhiều người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, live stream và đăng các bài quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp đã bị phát hiện đó là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thậm chí là hàng giả.

Tinh vi hơn, theo ông Tuấn là việc lừa đảo mua xe máy, trúng thưởng trên mạng xã hội. Các đối tượng đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa đảo.

“Nhóm đối tượng này sẽ gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân và thông báo trúng thưởng. Sau đó, người dân sẽ phải chuyển 10% số tiền giải thưởng để đóng thuế. Chưa dừng ở đó, các đối tượng lừa đảo còn yêu cầu người dân trích lại một phần tiền coi như là “quà”. Những người bị lừa đa phần đều ở vùng sâu vùng xa”, ông Tuấn cho biết.

Ngoài việc lừa đảo trúng thưởng, một hình thức lừa đảo mới hiện nay là tuyển cộng tác viên bán hàng. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, qua quá trình kiểm tra, đây đều là các tài khoản Facebook giả và các mặt hàng đều không có thật.

Thời điểm gần Tết, đại diện Bộ Công Thương cũng đặc biệt cảnh báo tình trạng mua bán vé máy bay giá rẻ. Theo đó, các đối tượng lừa đảo sẽ cung cấp cho khách hàng một mã code sau khi đặt vé. Tuy nhiên, đó chỉ là mã code giữ chỗ. Sau khi thanh toán thì mã đó mới trở thành vé máy bay.

Thế nhưng, các đối tượng lừa đảo sau khi nhận tiền từ khách hàng sẽ không thanh toán với nơi cung cấp dịch vụ. Do đó, nếu hết thời gian giữ chỗ, mã code kia sẽ không còn giá trị. Lừa đảo còn tinh vi hơn, khi khách hàng đặt mua vé 2 chiều, nhưng chỉ một chiều có hiệu lực, còn chiều về thì không được kích hoạt.

Thương mại điện tử giúp kích cầu tiêu dùng, thế nhưng đó cũng là “thiên đường” cho dân lừa đảo. Theo cảnh báo của ông Tuấn, còn một loại hình lừa đảo mới hiện nay, đó là tự giao hàng.

Hình thức lừa đảo này được các đối tượng sử dụng bằng cách lấy thông tin khách hàng trên các sàn thương mại điện tử. Sau đó, các đối tượng tự tạo gian hàng, tự đặt hàng tới địa chỉ của khách. Người nhận bất đắc dĩ mua các món hàng đó mà không hề biết.

Tuy nhiên, các đối tượng này chỉ bán các món hàng trị giá vài chục nghìn. Chiêu lừa đảo này khiến người nhận chấp nhận mua hàng để tránh phiền hà. 

Năm 2018, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 141.000 vụ. Qua đó, phát hiện và xử lý 82.300 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước 430 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 107 vụ cho cơ quan công an, trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ đang điều tra, xử lý.

 Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm