Thông tư 13: Sẽ không điều chỉnh như kỳ vọng

Thông tư 13 chỉ là một bước trong lộ trình nâng cao chuẩn mực, hiệu quả và an toàn của hệ thống ngân hàng. Do đó, những vấn đề sửa đổi, bổ sung nếu có sẽ chỉ mang tính kỹ thuật, theo hướng rà soát các khái niệm, còn các chuẩn mực vẫn không thay đổi.

Không như kỳ vọng của nhiều người, rằng Thông tư 13/2010/TT-NHNN sẽ được hoãn sang năm sau hoặc nếu thực hiện, sẽ điều chỉnh một số quy định về các tỷ lệ an toàn…, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định, định hướng và mục tiêu của NHNN đã rất rõ ràng và Thông tư 13 chỉ là một bước trong lộ trình nâng cao chuẩn mực, hiệu quả và an toàn của hệ thống ngân hàng.
 
Do đó, những vấn đề sửa đổi, bổ sung nếu có sẽ chỉ mang tính kỹ thuật, theo hướng rà soát các khái niệm, còn các chuẩn mực vẫn không thay đổi.

Sẽ giữ chuẩn...

Thông tư 13: Sẽ không điều chỉnh như kỳ vọng - 1
Nếu chỉnh sửa thì nên đưa nguồn tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức vào vốn được cấp tín dụng, còn tỷ lệ an toàn vốn được nâng lên 9% là phù hợp.
 
Mặc dù có thể dự đoán được việc Thông tư 13 sẽ không hoãn thời gian thực hiện cũng như sẽ không có sự chỉnh sửa nhiều về nội dung, song trong những ngày cuối tuần qua, thị trường vẫn trong tâm trạng "ngóng" chờ thông tin chính thức từ NHNN về vấn đề này.
 
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, về cơ bản, các quy định của Thông tư 13 sẽ được giữ nguyên như nội dung đã ban hành. Duy chỉ có một điểm sẽ được điều chỉnh là đưa nguồn tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức vào vốn được cấp tín dụng. Điều này đã được các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và lãnh đạo nhà băng kiến nghị trước đó.
 
Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho rằng, nguồn tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế luôn có sự ổn định nhất định. Dòng tiền gửi loại này "vào" và "ra" liên tục nên sẽ không có chuyện mất thanh khoản bất kỳ lúc nào.
 
Chẳng hạn, khi một tổ chức kinh tế A sử dụng khoản tiền gửi không kỳ hạn vào mục đích thanh toán thì ngân hàng đã hoặc sẽ thu hút được nguồn vốn không kỳ hạn của doanh nghiệp B.
 
Đồng thời, nguồn tiền này có thể duy trì ổn định trên tài khoản không kỳ hạn của ngân hàng, chiếm khoảng 30% trong tổng vốn huy động. Các ngân hàng có thể sử dụng được một tỷ lệ (dù nhỏ) nguồn tiền này để cung ứng vốn ngắn hạn.
 
Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng nhận định, về cơ bản sẽ không có chỉnh sửa nhiều, cho dù có nhiều kiến nghị cần chỉnh sửa một số quy định trong Thông tư 13 đã được gửi lên NHNN.
 
Các thành viên trong Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, không nên lùi thời hạn và hạ chuẩn các quy định đưa ra trước đó. Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nếu chỉnh sửa thì nên đưa nguồn tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức vào vốn được cấp tín dụng, còn tỷ lệ an toàn vốn được nâng lên 9% là phù hợp.
 
TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho hay, ông không phản bác toàn bộ các quy định của Thông tư 13, nhưng trong các quy định đó, nên bỏ Điều 18. Điều 18 của thông tư trên quy định, các ngân hàng chỉ được sử dụng tối đa 80% vốn huy động để cấp tín dụng. Trong đó, nguồn tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế, bảo hiểm xã hội, Kho bạc Nhà nước và các tổ chức khác không được tính vào nguồn vốn cấp tín dụng.
 
TS. Nghĩa cho biết, đây được xem là rào cản lớn trong phát triển tín dụng của ngân hàng và chính là rào cản đối với đà giảm lãi suất theo chủ trương.
 
Còn nếu muốn có nguồn vốn dồi dào để cấp tín dụng, nhà băng sẽ "lách" bằng cách thỏa thuận với các doanh nghiệp để "biến tướng" nguồn tiền gửi không kỳ hạn nói trên thành tiền gửi có kỳ hạn. Vì thế, theo ông Nghĩa, nếu trong trường hợp không bỏ được Điều 18 của Thông tư 13 thì cũng nên điều chỉnh lại định nghĩa như thế nào là "vốn huy động" được cấp tín dụng.
 
… nên phải tính kỹ hơn
 
Theo các chuyên gia tài chính, nếu không tính nguồn tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức vào vốn được cấp tín dụng, sẽ rất khó cho ngân hàng và hạn chế hoạt động cho vay.
 
Đồng thời, quy định hệ số rủi ro đối với tín dụng kinh doanh bất động sản và cho vay cầm cố chứng khoán lên đến 250% sẽ buộc ngân hàng tính toán lại có cần thiết phát triển loại hình tín dụng này hay không.
 
Mặc dù các chỉ số đưa ra để xếp hạng tín dụng cũng như hạn chế rủi ro ở các quy định của Thông tư 13 là điều cần thiết, nhưng trong bối cảnh thị trường hiện nay là chưa thích hợp và sẽ kiềm chế sự phát triển tín dụng.
 
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank - VCB) cho biết, thực sự, nếu không được Thủ tướng Chính phủ cho phép tăng thêm 33% vốn điều lệ mới đây để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu kể từ ngày 1/10 thì Ngân hàng cũng có khó khăn nhất định.
 
Theo ông Bình, việc VCB bán bớt cổ phần của GiaDinh Bank chủ yếu là để đảm bảo hệ số an toàn vốn cao hơn, chứ thực sự Ngân hàng không có nhu cầu bán, vì giá cổ phiếu đã giảm.
 
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà VCB đặt ra cho năm nay là khoảng 23 - 25% và tính đến cuối tháng 8 đạt mức 15%. "Room" còn lại cho hoạt động tín dụng quý cuối năm 2010 của VCB còn nhiều, nhưng ông Bình cho biết, nhìn chung, Ngân hàng không tăng trưởng nhanh về dư nợ mà chủ yếu quan tâm đến chất lượng.
 
Tổng giám đốc OCB, ông Trịnh Văn Tuấn, cho biết, tính đến cuối tháng 8/2010, tăng trưởng dư nợ tín dụng của Ngân hàng xấp xỉ 10.000 tỷ đồng và vốn huy động ở trên mức này.
 
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng bình quân của OCB trong năm nay là 30%, song ông Tuấn cho biết, Ngân hàng cũng sẽ điều tiết theo cung - cầu vốn huy động và cho vay ra, nhằm đảm bảo tỷ lệ yêu cầu. Đặc biệt, khi Thông tư 13 có hiệu lực, các ngân hàng sẽ chỉ được sử dụng tối đa 80% vốn huy động để cấp tín dụng.
 
Còn theo Tổng giám đốc ACB, ông Lý Xuân Hải, hệ số an toàn vốn của Ngân hàng hiện đạt đúng chuẩn 9% theo quy định mới của NHNN. Tuy nhiên, theo ông Hải, khi các quy định của Thông tư 13 đi vào thực tế, ACB cũng sẽ có tính toán kỹ và kiểm soát chặt hơn về hiệu quả sử dụng vốn, nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn.
 
Trong đó, quy định về hệ số rủi ro đối với tín dụng kinh doanh bất động sản và cho vay cầm cố chứng khoán lên đến 250% cũng sẽ khiến Ngân hàng hạn chế tăng trưởng dư nợ đối với hai loại hình tín dụng này.
 
Một khó khăn khác được các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ đưa ra là đà giảm lãi suất sẽ chững lại trong nay mai. Thực tế gần đây, áp lực tăng lãi suất lại dần mạnh lên.
 
Do đó, để có thể thực hiện được chủ trương giảm lãi suất, kích thích tăng trưởng dư nợ, yếu tố đầu tiên đòi hỏi NHNN là tăng thêm lượng tiền cung ứng ra thị trường.
 
Thậm chí, còn phải tính toán lại toàn bộ việc điều hành cung ứng tiền của NHNN trong những tháng đầu năm nay để đưa ra một kế hoạch cung ứng tiền mới nhằm đảm bảo cho nền kinh tế có được trạng thái thanh khoản cần thiết.
 
Theo Vân Linh
Đầu tư Chứng khoán