Thống kê bất ngờ về "đường bay vàng" Hà Nội - TPHCM
(Dân trí) - Với tổng sức chứa ghế ngồi lên đến 930.391 ghế, chuyến bay nội địa từ Hà Nội đến TPHCM dẫn đầu danh sách các đường bay "bận rộn" nhất khu vực Đông Nam Á trong tháng 2.
Outbox Company, công ty nghiên cứu thị trường du lịch tại Việt Nam, vừa có báo cáo về hiệu quả hoạt động du lịch khu vực Đông Nam Á.
Theo đơn vị này, trong tháng 2, với tổng sức chứa chỗ ngồi qua các chuyến bay là gần 9 triệu ghế, Indonesia là điểm đến dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á. Tiếp sau là Thái Lan với 5,6 triệu ghế và đứng thứ 3 là Việt Nam với 5,5 triệu ghế.
Đáng chú ý, chuyến bay nội địa từ Hà Nội đến TPHCM dẫn đầu danh sách các đường bay "bận rộn" nhất khu vực Đông Nam Á với tổng sức chứa ghế ngồi lên đến 930.391 ghế. Con số này cao hơn lần lượt 63% và 94% hai đường bay Jakarta đến Bali và Jakarta đến South Sulawesi.
Thống kê này phần nào cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường hàng không nội địa Việt Nam sau đại dịch Covid-19.
Hồi tháng 10/2022, Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết đường bay Hà Nội - TPHCM lọt top 4 đường bay nội địa nhộn nhịp nhất thế giới (theo thống kê của OAG, công ty cung cấp thông tin chuyên sâu và dữ liệu du lịch hàng đầu thế giới, có trụ sở chính tại Anh).
Cụ thể, trong thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022, "đường bay vàng" Hà Nội - TPHCM có số lượng ghế lên đến 8,5 triệu. Năm 2019, đường bay này cũng từng lọt vào top 6 thế giới.
Cũng theo công bố của OAG, 9 trong 10 tuyến đường bay hoạt động nhộn nhịp nhất thế giới đều nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một số chặng bay nội địa "bận rộn" khác có thể kể đến Jeju - Seoul (Hàn Quốc) với hơn 16 triệu ghế; Sapporo New Chitose Apt - Tokyo với hơn 10 triệu, Fukuoka - Tokyo (Nhật Bản) hơn 9,8 triệu.
Theo số liệu từ Tổ chức Du lịch Thế giới (UNTWO), thị trường du lịch khu vực Đông Nam Á năm 2022 đã tăng mạnh so với năm 2021 (thời điểm các quốc gia chưa mở cửa), nhưng vẫn chưa phục hồi như thời điểm trước dịch là năm 2019.
Trong tháng 1, Thái Lan là điểm đến đón nhiều khách du lịch quốc tế nhất Đông Nam Á. Philippines đạt mức phục hồi cao nhất khu vực và Việt Nam đạt chỉ số mục tiêu năm cao nhất khu vực cũng trong giai đoạn này.