Ai là chủ chiếc máy bay được đấu giá khởi điểm hơn 136 tỷ đồng?
(Dân trí) - VALC là doanh nghiệp duy nhất hoạt động trong lĩnh vực cho thuê máy bay tại Việt Nam. Vietnam Airlines là cổ đông lớn nhất, đồng thời là khách thuê máy bay chính của VALC.
Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp Hà Nội vừa thông báo bán đấu giá một tàu bay ATR 72-500 số hiệu sản xuất 925 (MSN 925) với giá khởi điểm 136,6 tỷ đồng. Chiếc máy bay thuộc quyền sở hữu của Công ty cổ phần Cho thuê máy bay Việt Nam (VALC).
Tại Việt Nam, VALC hiện là công ty duy nhất cho thuê máy bay. Bên cạnh cho thuê thì công ty này cũng bảo dưỡng, cung cấp phụ tùng máy bay. Không thực hiện bất cứ một chuyến bay nào, nhiệm vụ chính của VALC là mua máy bay rồi cho các hãng hàng không trong nước thuê lại khai thác.
VALC được Thủ tướng phê duyệt thành lập vào tháng 9/2007 với số vốn điều lệ 640 tỷ đồng. Doanh nghiệp ra đời trên cơ sở góp vốn của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn trong nước như: Vietnam Airlines (30%); BIDV (20%); PVN (17%); Vinashin (11%); Tổng Công ty Phong Phú (8%) và 14% còn lại dành cho cổ đông phổ thông.
Hiện nay, các cổ đông chính của VALC gồm Vietnam Airlines, BIDV, PVComBank và BRG Group. Trong đó, Vietnam Airlines cũng là khách hàng chính thuê lại các máy bay của VALC.
Năm 2014, doanh thu của VALC đạt hơn 76,8 triệu USD, lợi nhuận sau thuế đạt 19,78 triệu USD. Sang năm 2015, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đi xuống, với doanh thu đạt 76,6 triệu USD (giảm 4,25% so với năm 2014), lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 19,5 triệu USD (giảm 1,43%). Tại thời điểm ngày 31/12/2015, tổng tài sản của VALC đạt hơn 723 triệu USD, trong đó tài sản cố định chiếm tới 92,23% trên tổng tài sản.
Để phục vụ hoạt động kinh doanh, hãng thuê máy bay này chủ yếu sử dụng nguồn vốn vay bên cạnh vốn tự có. Tại thời điểm 31/12/2014, tỷ trọng nợ/tổng tài sản của VALC là 88,27% và tại thời điểm 31/12/2015, con số này là 86,95%.
Năm 2016, VALC đạt tổng doanh thu 82,7 triệu USD và 25,9 triệu USD lợi nhuận trước thuế. Năm 2017, tổng doanh thu công ty đạt 85,5 triệu USD, hoàn thành chưa đến 60% kế hoạch do việc thanh lý máy bay muộn hơn dự kiến. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại vượt kế hoạch 16%, lên 26,6 triệu USD do kiểm soát chặt chi phí quản lý doanh nghiệp và tỷ giá ngoại tệ biến động không lớn như giả định.
Năm 2018, doanh thu của hãng cho thuê máy bay này đạt hơn 87 triệu USD, tăng gần 4% so với năm 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại giảm nhẹ, chỉ đạt xấp xỉ 26 triệu USD.
Thực tế, không phải là lần đầu tiên VALC thanh lý máy bay. Hồi năm 2016, công ty này thông báo đấu giá 5 máy bay ATR 72-500, trong đó chiếc ATR 72-500 MSN 925 được bán đấu giá khởi điểm 215 tỷ đồng (tương đương 9,62 triệu USD theo tỷ giá quy đổi 22.340 đồng/USD).
Đến năm 2018, chiếc tàu bay trên cùng 2 chiếc ATR 72-500 khác tiếp tục được mang ra đấu giá với giá khởi điểm 189 tỷ đồng (tương đương 8,3 triệu USD). Tuy nhiên đến nay, sau 8 lần đấu giá, VALC vẫn chưa bán được chiếc tàu bay ATR 72-500 MSN 925.