1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thông hàng qua Trung Quốc giữa dịch bệnh, có 1 con đường an toàn, bán giá cao

Trong khi hàng trăm xe container đang ùn ứ vì hoạt động thông quan tại các cửa khẩu gần như "tê liệt" thì nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường biển vẫn sống khoẻ, bán được giá cao hơn so với xuất bằng đường tiểu ngạch.

Dịch bệnh Covid - 19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Trung Quốc lùi thời gian mở cửa trở lại các cặp cửa khẩu phụ với các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh và Hà Giang đến hết tháng 2 đã tác động lớn tới xuất khẩu các mặt hàng nông sản theo phương thức trao đổi cư dân biên giới.

Trong khi hai cửa khẩu đã mở cửa hoạt động trở lại gồm Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Kim Thành II (Lào Cai) nhưng tiến độ thông quan phía Trung Quốc chậm do thiếu nhân lực liên quan tới giao nhận hàng hoá. Hoạt động tại các cửa khẩu phụ gần như vẫn tê liệt.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến ngày 11/2 có khoảng 555 xe container chở nông sản đang tồn và chờ xuất sang Trung Quốc. Trong đó, lượng xe ùn ứ nhiều nhất tại cửa khẩu Kim Thành II (Lào Cai), lên tới 300 xe. 

Nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường biển vẫn ổn định, giá bán cao hơn so với xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch một công ty chuyên về xuất khẩu nông sản, cho biết, với hàng trái cây nói riêng và nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nói chung, truyền thống của Việt Nam là xuất tươi và xuất bằng đường bộ sang các chợ truyền thống, chợ buôn của Trung Quốc. Do đó, việc cửa khẩu Việt - Trung tạm đóng một số ngày qua do tâm dịch Covid - 19 chắc chắn ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu nông sản Việt.

Theo bà Thực, tại một số quốc gia khác không có đường biên giới giáp ranh Trung Quốc, hoạt động xuất khẩu bằng đường biển chiếm tỷ trọng lớn thì ảnh hưởng của dịch Covid - 19 sẽ không nặng nề như Việt Nam, nơi xuất khẩu bằng đường biển chiếm tỷ lệ rất thấp. Dù chi phí xuất khẩu bằng đường bộ rất cao nhưng tốc độ thông quan, thời gian từ khâu đóng gói bảo quản hàng hóa đến xuất hàng được rút gọn, khác với xuất khẩu bằng đường biển tốn nhiều thời gian và công đoạn chuẩn bị hơn, gây thiệt hại hơn cho hàng nông sản.

Trong cuộc họp của Bộ Công Thương bàn giải pháp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trong bối cảnh dịch Covid - 19 vẫn diễn biến phức tạp, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đề nghị tổ chức vận chuyển nông sản sang Trung Quốc bằng đường biển, nhưng muốn làm được điều này các doanh nghiệp sẽ phải tiến hành xuất khẩu theo đường chính ngạch.

Thông hàng qua Trung Quốc giữa dịch bệnh, có 1 con đường an toàn, bán giá cao - 1

Thuỷ sản xuất khẩu bằng đường biển sang Trung Quốc dịp này cũng không bị ảnh hưởng nhiều

Đại diện Bộ NN-PTNT cho biết, dù nông sản xuất khẩu qua đường bộ đang gặp khó khăn, nhưng hoạt động xuất khẩu qua các cửa khẩu đường biển sang Trung Quốc vẫn bình thường. Trong khi đó, hàng xuất qua đường sắt liên vận hiện đã được nối lại theo hình thức bàn giao toa xe cho đầu tàu Trung Quốc kéo về Nam Ninh tại ga Đồng Đăng.

Thực tế, hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đang cho thấy sự ưu Việt, đặc biệt là trong đợt dịch corona lần này.

Đơn cử, ở miền Tây, trong khi nhiều nông dân trồng chuối ở miền Tây đang đứng ngồi không yên vì các chợ biên giới, cửa khẩu phụ phía Trung Quốc tạm ngừng giao dịch khiến giá chuối giảm chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg, thì ông Châu Quốc Khải ở xã Khánh Thuận (huyện U Minh, Cà Mau) vẫn đóng thùng, hút chân không, bảo quản lạnh, đưa chuối sang Trung Quốc bằng đường biển qua cảng Cát Lái (TP.HCM).

Với diện tích 200ha chuối, sản lượng tương đối nhiều nhưng nhờ đã ký hợp đồng xuất khẩu chính ngạch, việc xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc của ông Khải hầu như không bị ảnh hưởng về giá cả và sản lượng. Giá chuối ông Khải xuất khẩu hiện là 10.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá chuối mà người nông dân trong vùng xuất bán theo đường tiểu ngạch.

Còn nhớ, vào hồi cuối năm ngoái, khi thanh long vào vụ thu hoạch rộ và dẫn đến ùn ứ cục bộ tại các cửa khẩu, một số HTX, doanh nghiệp đã chuyển hướng xuất khẩu thanh long bằng đường biển.

Theo ông Trương Quang An - Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu (Long An), xuất khẩu bằng đường biển sang Trung Quốc không lo phải chịu cảnh ùn ứ. Thời điểm tháng 10/2019, HTX của ông An đã đóng được 7 container thanh long ruột đỏ (19 tấn/contairner) xuất sang thị trường Trung Quốc bằng đường biển với giá 22.000 đồng/kg.

Dịp này, nhiều doanh nghiệp thủy sản lớn cũng cho biết, các sản phẩm tôm, cá tra... xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển không chị ảnh hưởng nhiều trong việc đưa hàng hóa sang Trung Quốc.

Theo T. An

VietnamNet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm