Thống đốc: Sẽ xử lý toàn bộ 9 ngân hàng yếu kém trong tháng 6
(Dân trí) - Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tuần vừa rồi, Thường trực Chính phủ đã thông qua việc xử lý 2 trong số 9 ngân hàng yếu kém. Dự kiến, mỗi tuần trình Chính phủ 2 đề án, hoàn tất phương án xử lý toàn bộ 7 ngân hàng còn lại trong tháng 6.
Ngân hàng Nhà nước có thể tham gia vào mua cổ phần tại các NHTM và bán lại.
Tham gia giải trình tại phiên thảo luận tại Hội trường về nội dung tái cơ cấu nền kinh tế chiều 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã trao đổi về một số nội dung lớn xung quanh liên quan đến đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Theo đó, ngay từ hồi tháng 2 sau khi có nghị quyết Trung ương 3, NHNN đã bắt đầu xây dựng đề án này, trong tháng 2 đã trình Chính phủ xem xét. Đến tháng 3, Chính phủ trình Bộ Chính trị xem xét, sau đó Chính phủ có quyết định thông qua.
Đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng có trọng tâm đến 2015, việc xử lý các tồn tại được chia thành 2 nhóm bao gồm, tồn tại cần phải xử lý ngay trước mắt và nhóm tồn tại có thể xử lý trong trung và dài hạn. Trong đó, tại nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước, ngoài những nội dung chung còn có đề án củng cố vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trong hệ thống ngân hàng.
Thống đốc cũng cho biết, năm 2012, nội dung trọng tâm của đề án tái cấu trúc là xử lý các ngân hàng đặc biệt yếu kém. Hiện nay NHNN đang thực hiện các bước đi đầu tiên và đã thực hiện thanh tra toàn diện 9 ngân hàng yếu kém, thực hiện kiểm toán đặc biệt và kiểm toán độc lập đối với các tổ chức tín dụng này và đã có những kết quả đầu tiên.
Trước Nghị trường, Thống đốc báo cáo, tuần vừa rồi, Thường trực Chính phủ đã thông qua việc xử lý 2 ngân hàng trong số 9 ngân hàng trên và dự kiến mỗi tuần trình Chính phủ 2 đề án. Mục tiêu là đến cuối tháng 6 sẽ hoàn tất đề án xử lý cho tất cả các ngân hàng yếu kém.
Nhìn chung, việc xử lý tính yếu kém ở các ngân hàng sẽ chia các ngân hàng ra làm 2 hướng xử lý. Với những ngân hàng buộc phải xử lý như 9 ngân hàng đặc biệt yếu kém đã nêu, sau khi kiểm toán đặc biệt và kiểm toán độc lập sẽ để các ngân hàng này được phép tự xây dựng phương án xử lý cho mình, chỉ khi không xây dựng được phương án riêng thì NHNN sẽ bắt buộc phải xử lý cho sáp nhập.
Tuy nhiên, theo như Thống đốc thì đến nay, các tổ chức tín dụng trên đã có phương án, bao gồm kêu gọi các nhà đầu tư mua cổ phần, nâng cao khả năng quản trị và tự tìm đối tác sáp nhập.
Ở nhóm ngân hàng thứ hai là nhóm tự nguyện sáp nhập, các ngân hàng này căn cứ vào tình hình sức khỏe riêng của mình và mong muốn mở rộng kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh và quy mô. Hiện nay, nhóm các ngân hàng này cũng đang trong quá trình tìm kiếm đối tác và tìm hiểu lẫn nhau.
Khi trong nước không thể tham gia mới cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cấu trúc ngân hàng
Đồng ý với các đại biểu Quốc hội, Thống đốc thừa nhận, bất cứ chương tình tái cấu trúc nào cũng phải có kinh phí, nhất là tái cấu trúc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Theo ông, có nhiều công cụ để thực hiện tái cấu trúc, trong đó có việc kêu gọi mọi nguồn vốn từ mọi thành phần kinh tế.
Thực tế, trong thời gian vừa qua, Thống đốc cho biết đã có rất nhiều nhà đầu tư và các tổ chức kinh tế tham gia vào quá trình này, hy sinh lợi nhuận trước mắt để có được lợi ích lâu dài trong tương lai. Về sự "chung tay" từ đối tác ngoại, theo Thống đốc, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đã đăng ký tham gia, song phương châm của NHNN là chỉ khi nào các nhà đầu tư trong nước không còn tham gia được nữa thì mới tính đến việc giao cho nước ngoài.
Một nguồn lực khác chính là sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Theo đó, Luật NHNN cho phép NHNN được quyền góp vốn mua cổ phần tại các NHTM, tham gia vào công tác điều hành, sau đó khi các tổ chức tín dụng này đã đi vào hoạt động bình thường sẽ bán lại cổ phần cho các tổ chức tư nhân khác, thu hồi lại vốn nhà nước, thậm chí sẽ có lãi. Phương án này cũng đã được Chính phủ Mỹ thực hiện thành công.
Phương án tiếp theo là thành lập công ty mua nợ. Ở đây, Thống đốc lưu ý, khối lượng phải đầu tư vào tái cơ cấu là rất lớn, sự tham gia của nhà nước vào tiến trình chung chỉ mang tính đòn bẩy trong ngắn hạn, còn trong trung và dài hạn là huy động được nguồn lực tổng thể.
Người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định, với các giải pháp trên, nếu phối hợp nhịp nhàng sẽ xử lý được các ngân hàng yếu kém cũng như thực hiện được thành công quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nói chung.
Bích Diệp