Thống đốc Nguyễn Văn Bình yêu cầu xử lý cơ bản nợ xấu trong 2 năm

(Dân trí) - Với mục tiêu đến cuối năm 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các TCTD xây dựng, triển khai kế hoạch xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng giai đoạn 2013 - 2015.

Số nợ xấu đã xử lý nợ xấu trong năm 2012 và 9 tháng 2013 xấp xỉ 100.000 tỷ
Số nợ xấu đã xử lý nợ xấu trong năm 2012 và 9 tháng 2013 xấp xỉ 100.000 tỷ 
 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) xây dựng và triển khai Kế hoạch xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng giai đoạn 2013-2015.

Trong đó, các TCTD phải xác định rõ mục tiêu xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng là “phấn đấu đến cuối năm 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay, kiểm soát có hiệu quả và nâng cao chất lượng tín dụng” góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” và “Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD” của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, hệ thống ngân hàng cần đánh giá thực trạng nợ xấu, chất lượng tín dụng của TCTD trong hai năm 2011, 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 theo các tiêu chí: Thực hiện đánh giá thực trạng nợ xấu, chất lượng tín dụng bao gồm các khoản nợ xấu như nợ xấu cấp tín dụng, nợ xấu mua trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác mua trái phiếu, cấp tín dụng; giá trị tài sản bảo đảm, số tiền trích lập dự phòng rủi ro cụ thể tương ứng với từng loại hình; Nợ xấu phân loại theo nhóm nợ, giá trị tài sản bảo đảm và số tiền trích lập dự phòng rủi ro cụ thể tương ứng với từng nhóm nợ.

Đặc biệt, các TCTD phải phân loại nợ xấu theo tài sản bảo đảm (bất động sản, bất động sản hình thành trong tương lai, hàng hóa, tài sản bảo đảm khác), nợ xấu không có tài sản bảo đảm; Nợ xấu phân loại theo đối tượng khách hàng tổ chức (doanh nghiệp nhà nước, gồm nợ xấu của tập đoàn kinh tế nhà nước và doanh nghiệp khác), cá nhân, hộ gia đình; Nợ xấu phân loại theo ngành nghề và nợ xấu phát sinh theo công ty con, sở giao dịch, chi nhánh, đơn vị trực thuộc TCTD.

Cùng với đó, TCTD cần đánh giá đúng mức độ rủi ro của các khoản vay, thực trạng tài chính, sản xuất kinh doanh của khách hàng liên quan đến các khoản vay này.

Sau khi đã phân lại các khoản nợ xấu, các TCTD cần đề xuất các giải pháp để xử lý nợ xấu dự tính theo quy định tại Thông tư 02, trong đó có các nội dung: Đề xuất các giải pháp xử lý nợ xấu phù hợp với quy định tại Quyết định 843, chỉ tiêu nợ xấu xử lý được (kết quả dự kiến) theo từng giải pháp, theo từng năm đến năm 2015, bao gồm cả nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản và các giải pháp, kế hoạch xử lý nợ xấu đối với công ty con, chi nhánh, đơn vị trực thuộc TCTD.

Ngoài việc đánh giá thực trạng, phân loại các khoản nợ xấu, các TCTD cần có giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng nhằm nâng cao chất lượng thẩm định, quyết định việc cho vay của các TCTD. Trong đó đề xuất những thay đổi về điều kiện cấp tín dụng, hồ sơ, trình tự, thủ tục, quy trình thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng; những thay đổi về trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong việc thẩm định, cấp tín dụng…

Các TCTD cũng cần có các biện pháp tăng cường giám sát vốn vay để đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích ghi trong hợp đồng tín dụng; biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ về chất lượng tín dụng (đề xuất những thay đổi về quy định kiểm soát nội bộ, quy trình, nội dung kiểm tra, kiểm soát trước, trong và sau khi cấp tín dụng…) và cả biện pháp xử lý các khoản cho vay trả lãi trái quy định của pháp luật hoặc gây rủi ro cho TCTD.

Theo số liệu do Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình công bố trước Quốc hội, tổng số nợ mà các TCTD đã cơ cấu lại cho các khách hàng vay hiện lên tới trên 300.000 tỷ đồng, chiếm trên 10% tổng dư nợ; trong số này có tới trên 60% khoản nợ nếu không cơ cấu lại sẽ trở thành nợ xấu. Còn nói cách khác, nếu không cơ cấu lại nợ cho các TCTD theo các cơ chế mà NHNN đã ban hành thì nợ xấu đã tăng thêm 6%.

Thống đốc cho rằng, số nợ xấu đã xử lý nợ xấu trong năm 2012 và 9 tháng 2013 xấp xỉ 100.000 tỷ, chiếm hơn 3% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng.

Nguyễn Hiền
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước