Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Tín dụng tăng gấp đôi có vào kênh rủi ro không?
(Dân trí) - Thống đốc cho biết, tín dụng quý I tăng 2,93%, gấp đôi năm ngoái. Trong bối cảnh bất động sản, chứng khoán... tăng "nóng", vốn có "chảy" vào lĩnh vực rủi ro không là việc các ngân hàng cần kiểm soát.
Sáng nay 14/4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị triển khai công tác tín dụng năm 2021 của ngành ngân hàng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng chung cho năm 2021 là 12%, tăng trưởng hợp lý với nâng cao chất lượng tín dụng gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
"Tín dụng là một trong những lĩnh vực Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm trong chỉ đạo điều hành, là trụ cột điều hành hàng năm để đưa ra định hướng điều chỉnh phù hợp với thực tế, phù hợp đặc thù với kinh tế Việt Nam. Ở Việt Nam, nguồn vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp vẫn phụ thuộc chủ yếu từ vốn ngân hàng. Bản chất vốn ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn, lưu động", Thống đốc cho hay.
Với định hướng tăng trưởng tín dụng chung cho năm 2021, Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại điều hành tín dụng mở rộng đi đôi với chất lượng tín dụng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, phù hợp với cơ cấu phòng ngừa rủi ro đảm bảo trong hoạt động luôn đáp ứng khả năng chi trả của người dân trong bất kỳ thời điểm nào.
Trao đổi với lãnh đạo các ngân hàng thương mại, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian qua, các phương tiện truyền thông có đặt câu hỏi về việc tăng trưởng tín dụng có đi vào lĩnh vực rủi ro khi các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán... tăng "nóng". Bà yêu cầu các ngân hàng cần phải rà soát xem tín dụng quý I tăng trưởng vào lĩnh vực nào, có đi vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro không, lãnh đạo các ngân hàng cần phải lưu tâm vấn đề này.
Dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho thấy trong những tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, dịch bùng phát tại một số địa phương trên cả nước tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải và du lịch; tiêu thụ sản phẩm nông sản ở một số địa phương vùng dịch gặp nhiều khó khăn.…, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, doanh thu và dòng tiền trả nợ của khách hàng, từ đó tác động đến hoạt động tín dụng ngân hàng.
Nhờ các giải pháp tổng thể, đến 31/3/2021, tín dụng nền kinh tế đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2020.
Tính đến cuối tháng 3/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 263.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ hơn 353.000 tỷ đồng. Hơn 660.000 khách hàng với dư nợ trên 1,27 triệu tỷ đồng được miễn, giảm, hạ lãi suất. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới trên 452.000 khách hàng với lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 3 triệu tỷ đồng.
Trước đó, tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2016-2019 có xu hướng giảm dần, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP tăng dần và cao hơn giai đoạn 2011-2015. Riêng năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, tín dụng vẫn có mức tăng trưởng khá tốt ở mức 12,17%, đóng góp vào mức tăng chung 2,91% của GDP - là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tăng trưởng tín dụng bình quân của cả giai đoạn 2016-2020 đạt 15,25%.