Thời của hàng ngoại giá rẻ
Hàng ngàn mặt hàng đến từ các nước Đông Nam Á sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu từ ngày 1/1 theo cam kết của Việt Nam khi thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2015-2018.
Các nhóm hàng cắt giảm thuế thuộc các ngành nông nghiệp, bánh kẹo, thịt gia súc, gia cầm… Tuy nhiên, tùy ngành hàng mà mức giảm thuế này tác động ít nhiều đến giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, DN Việt xuất khẩu sang các nước cũng có lợi nhưng phần lớn là khó khăn, thua thiệt.
Người tiêu dùng được lợi
Một số DN cho biết tùy theo ngành hàng mà việc giảm thuế còn 0% giúp DN có lợi hay không.
Ông Lưu Huỳnh, đại diện Công ty Bánh kẹo Phạm Nguyên, cho biết chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ giảm theo mức hưởng ưu đãi thuế mà các nước có hàng nhập vào Việt Nam. Nếu thuế bánh kẹo còn 0% thì cũng ít chi phối đến giá thành sản phẩm, hiện tại bánh kẹo nội có giá cạnh tranh hơn bánh kẹo ngoại. Tuy nhiên, các DN đều phải có chiến lược riêng để phát triển cạnh tranh ngang bằng chứ không chủ quan.
Tuy nhiên, ông Đỗ Phan Thanh Bảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Nước giải khát Dona Newtower, cho biết khi thuế suất bằng 0%, hàng tiêu dùng các nước sẽ ồ ạt vào Việt Nam, trong đó có ngành nước giải khát. DN Việt sẽ bị cạnh tranh khốc liệt. Hiện nay ngành nước giải khát, theo lộ trình đã có một số nguyên vật liệu thuế suất nhập về bằng 0%, song vẫn còn một số nguyên liệu thuế cao như nấm tuyết 15%, hương liệu hơn 10%. Tuy nhiên, với một số nguyên vật liệu đã giảm thuế thì giá thành cũng không giảm bao nhiêu. Trong khi đó hàng thành phẩm của các nước nếu nhập vào với thuế suất 0% thì họ có lợi rất nhiều. Sản phẩm trong nước khó cạnh tranh, vì DN trong nước đang chịu các chi phí khác rất nhiều như vận chuyển, thuế…
Một DN bán lẻ cho biết khi thuế suất cắt giảm còn 0% thì hàng hóa các nước sẽ vào nhiều, người tiêu dùng được lợi là có nhiều cơ hội chọn lựa sản phẩm, dùng thử sản phẩm… Nhưng người tiêu dùng có quyết định mua lần thứ hai không mới là điều quan trọng. Bên cạnh đó hệ thống bán lẻ còn nghiên cứu sản phẩm nào phù hợp với đối tượng khách hàng của mình thì mới nhập hàng về. Vì thế hàng giá rẻ chưa phải là điều kiện quyết định mà phải là mặt hàng nào bán được mới nhập để bán.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, phân tích hiện nay thịt đông lạnh nhập vào Việt Nam chịu thuế suất từ 12% đến 30% tùy loại. Khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN mở cửa hoàn toàn, thuế 0%, giá thành tất nhiên sẽ giảm theo thuế. Điều này khá nguy hiểm vì năng suất chăn nuôi của Việt Nam còn thấp, mặc dù từ ngày 1-1-2015, thuế VAT thức ăn gia súc giảm 0%, giá có giảm nhưng vẫn còn cao so với sản phẩm nhập về. Và sau này khi tham gia Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) Việt Nam còn chịu khó khăn nhiều hơn khi đối đầu với các nước có ngành nông nghiệp lớn như Mỹ.
Cạnh tranh khốc liệt giữa ngoại và nội
Ông Văn Đức Mười cho rằng thịt gia súc không thể xuất khẩu được vì giá thành chăn nuôi ở Việt Nam cao hơn so với các nước, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, chất lượng con giống không đồng đều…
Một DN trong ngành chăn nuôi cũng cho rằng sản phẩm Việt Nam khó cạnh tranh về giá so với các nước vì nguyên liệu các nước rẻ hơn, công nghệ chăn nuôi cũng hơn hẳn mình.
Cùng nhận định trên, theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, xuất khẩu của DN Việt sang các nước trong khối cũng sẽ khó khăn hơn vì bị cạnh tranh ngang bằng. Nếu hàng hóa DN Việt không đảm bảo chất lượng, không đủ sản lượng… sẽ khó xuất sang các nước trong khối. DN chỉ có lợi thế khi thâm nhập các thị trường xa như Bắc Mỹ, châu Âu.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho rằng DN Việt cũng có cơ hội làm ăn ở thị trường 600 triệu dân tốt hơn là thị trường 90 triệu dân. Song thách thức là không nhỏ. Thuế quan dỡ bỏ, DN Việt bị cạnh tranh gay gắt khi các nước vào Việt Nam đều có chiến lược. Chẳng hạn, Thái Lan tổ chức nhiều hội chợ, mua cả hệ thống Metro Cash&Carry, các cửa hàng tiện lợi… Theo ông Hưng, nếu DN nào đủ năng lực thì vẫn có thể xuất hàng ra các nước.
Cần giữ tốt thị phần thị trường nội địa Thuế quan dỡ bỏ ở một số ngành hàng là điều thuận lợi. DN có thể giảm được chi phí, nâng cao tính cạnh tranh… Về cơ cấu mặt hàng, DN Việt sẽ cạnh tranh kém vì phụ thuộc vào việc nhập một số nguyên liệu trong khu vực, sản xuất xong rồi lại xuất sang nước họ. Còn nói về lợi trong sân chơi này để hàng Việt xuất đi các nước thì các DN ít quan tâm đến thị trường ASEAN bằng thị trường EU, Mỹ, Hàn Quốc… Ngoài ra, ASEAN là thị trường dễ hơn, chỉ cần có giá thành thấp là cạnh tranh tốt. Đối với thị trường nội địa, DN cần giữ thị phần thật tốt bằng giải pháp nâng cao chất lượng mẫu mã, chất lượng tiện ích, dịch vụ sau bán hàng… cũng như tìm thị trường ngách để đầu tư phát triển. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong |