Thời của cổ phiếu "hạng ruồi"?

Xu hướng phát hành tăng vốn chắc chắn sẽ còn xảy ra ở nhiều CP khác do áp lực "trụ lại" sàn TPHCM theo điều kiện vốn mới của Luật CK (80 tỉ đồng). Xu hướng chuyển dịch này được cộng hưởng bởi sự tham gia của một lượng lớn nhà đầu tư mới với nguồn tiền trung bình và mức giá vài trăm nghìn của các blue-chips trở nên "khó nhằn"...

Đợt gió mùa muộn ngày 6.3 đã phần nào giảm bớt không khí ngột ngạt trên sàn khi nhà đầu tư (NĐT) chen chúc quanh quầy môi giới và các màn hình điện tử. Tuy nhiên, mức độ "chen chúc" của các lệnh đặt lại không hề giảm, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu (CP) có thị giá thấp.

Đầu tàu cài số lùi

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6.3, chỉ số giá giảm chung cuộc 25,59 điểm, xuống mức 1.133,31 điểm. Tuy nhiên mức giảm này không thể hiện đúng diễn biến nóng của thị trường khi chỉ số CP giảm giá chỉ bằng một nửa số tăng giá. Trong số 71 CP tăng giá, có tới 51 mã tăng kịch trần.

Nguyên nhân mức giảm mạnh của VN-Index là tác động từ nhóm CP có tỉ trọng lớn trong công thức tính như FPT, CII, VNM, VSH, REE, GMD, KDC, PPC. Quan sát diễn biến đặt lệnh có thể thấy nhóm này bị "đánh" rất mạnh ngay từ đợt khớp lệnh đầu tiên.

Hai "ông lớn" PPC và VNM giữ được giá khớp dự kiến khá lâu ở mức tham chiếu, nhưng tới gần thời điểm khớp đều bị kéo xuống bởi xuất hiện lượng bán lớn. VNM trong hai lần giao dịch đầu tiên bị "dìm" xuống mức 182.000đ/CP, giảm 10.000đ/CP.
 
PPC bị bán tháo giá sàn ngay từ đầu với khối lượng cực lớn và không gượng nổi lên trên mức sàn 92.500đ/CP (-4.500đ/CP) trong cả phiên giao dịch. Một CP điện khác là VSH cũng bị đẩy chạm sàn 81.000đ/CP (-4.000đ/CP).

Diễn biến tương tự còn xuất hiện với FPT (-31.000đ/CP), GMD (-6.000đ/CP), KDC (-10.000đ/CP), REE  (-10.000đ/CP), PVD (-14.000đ/CP). Thống kê giao dịch cho thấy riêng 9 CP này đã chiếm 34% khối lượng khớp lệnh toàn thị trường.

Nguồn cung của NĐTNN trong phiên tập trung rất có trọng điểm vào một số CP quan trọng. Ngoài một số mã đã hết hoặc gần hết room giao dịch yếu như REE, SAM, KDC, số còn lại được bán ra gấp nhiều lần mua vào.

Đáng chú ý như FPT được bán ra 110 tỉ đồng trong khi mua vào chỉ hơn 14 tỉ đồng, PPC bán ra 52 tỉ, mua vào 37 tỉ, VNM: 143 tỉ/43 tỉ, VSH: 16 tỉ/6 tỉ, GMD bán ra 11 tỉ đồng.

Nóng CP giá thấp

Trái ngược với diễn biến ngược dòng của nhóm CP đầu tàu, xu hướng chuyển dịch nguồn tiền sang nhóm CP giá thấp ngày càng rõ. Trong 51 CP tăng giá kịch biên độ, 30 mã có thị giá dưới 60.000đ/CP. Đáng chú ý một số CP được săn tìm với lượng cầu kỷ lục như BBC, BBT, CYC, DCT, DIC, IFS, KHP, LAF, LBM...

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến NĐT đổ xô đi mua những CP này là những thông tin liên quan đến khả năng tăng vốn điều lệ trong mùa đại hội cổ đông tháng tới.

Một số CP ngay khi nghị quyết HĐQT Cty vừa mới thông qua kế hoạch phát hành thêm giá lập tức tăng vù vù. Điển hình như VID khi dự kiến sẽ phân phối theo tỉ lệ 1:1 giá đã tăng liền 3 phiên gần đây với lượng chào mua kỷ lục. Trên 2,22 triệu CP được đặt vào bên mua phiên ngày 6.3 trong khi bán ra nhỏ giọt chỉ có hơn 220.000 CP.
 
Xu hướng phát hành tăng vốn chắc chắn sẽ còn xảy ra ở nhiều CP khác do áp lực "trụ lại" sàn TPHCM theo điều kiện vốn mới của Luật CK (80 tỉ đồng).

Xu hướng chuyển dịch này được cộng hưởng bởi sự tham gia của một lượng lớn nhà đầu tư mới với nguồn tiền trung bình và mức giá vài trăm nghìn của các blue-chips trở nên "khó nhằn".

Ngoài ra, với mức giá hiện tại khá rẻ, NĐT kỳ vọng khả năng tăng lên mức cao hơn với biên độ lớn hơn. Tuy nhiên, giá thấp không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với rẻ vì tương quan với mức giá còn là lợi nhuận của Cty - được thể hiện qua chỉ số EPS.

Nhiều CP có đã mức P/E khá cao chứng tỏ dù giá giao dịch chỉ vài chục ngàn đồng, nhưng cũng đã là quá cao do lợi nhuận Cty quá thấp.

Theo Nguyễn Hoàng
Lao Động

Bình luận (0)
để gửi bình luận