Thiếu tiền trả nợ, khó tái cơ cấu Vinalines

Từ nay đến 2015, mỗi năm Vinalines thiếu hụt khoảng từ 5 đến 6.000 tỷ đồng không trả được. Nếu không xử lý được cục nợ này cũng đồng nghĩa với việc Đề án tái cơ cấu Vinalines không thực hiện được.

Ông Lê Anh Sơn, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết tại Hội nghị Đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ GTVT (27/3).
 
Muôn vàn khó khăn

 

Muôn vàn khó khăn

 

Bà Đào Thanh Thảo, Vụ phó Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết: Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là sự biến động của thị trường vận tải biển cũng như do tiếp nhận 5 doanh nghiệp từ tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ VN (Vinashin) nên tình hình sản xuất kinh doanh và tài chính của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) gặp nhiều khó khăn.

 

Hiện nay, tình hình công nợ và khả năng thanh toán của Vinalines cũng đang gặp khó khăn, đặc biệt là các khoản nợ vay đóng tàu. Doanh nghiệp vận tải biển và một số liên doanh khai thác cảng của Vinalines cũng đang gặp rất nhiều khó khăn...

 

Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình tài chính của Vinalines và đề xuất những giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, Bộ giao thông đã chỉ đạo Vinalines thực hiện Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn từ 2012 - 2015 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

 

Ông Lê Anh Sơn, Phó Tổng giám đốc Vinalines cho rằng: Nếu không có đề án tái cơ cầu thì Vinalines đã tiệm cận với bờ vực phá sản. Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án tái cơ cấu đang thực sự là vấn đề khó khăn.

 

Cụ thể, hoạt động sản xuất kinh doanh do vận tải biển đang suy thoái trầm trọng. Tại thời điểm hiện tại các doanh nghiệp của Vinalines và 5 doanh nghiệp của Vinashin chiếm tới hơn 65% nợ đối với các tổ chức tiến dụng.

 

"Việc xử lý nợ là khó khăn nhất vì khả năng trả nợ trong tình hình vận tải biển suy thoái như hiện nay là dường như không có. Từ nay đến 2015, mỗi năm Tổng công ty thiếu hụt khoảng từ 5 đến 6.000 tỷ đồng không trả được. Nếu không xử lý được cục nợ này cũng đồng nghĩa với việc Đề án tái cơ cấu không thực hiện được", ông Sơn nói.

 

Về việc cổ phần hoá (CPH) và chuyển đối các doanh nghiệp, ông Sơn cho biết, Vinalines cũng đã thực hiện hết sức quyết liệt, nhưng vấn đề CPH hiện cũng đang rất phức tạp.

 

"Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã cho phép cổ phần hoá 10 cảng biển trong đó chủ yếu nhà nước giữ lại 75% cổ phần, với tỷ lệ nhà nước nắm cổ phần cao thế này thì CPH sẽ rất khó và không phù hợp", ông Sơn nói.

 

Liên quan đến vấn đề thoái vốn của Vinalines, ông Sơn cho biết, ngay cả nguồn thu của Tổng công ty thu về cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với nợ. Do vậy, trong đề án tái cơ cấu Vinalines đã trình lên Bộ GTVT và Chính phủ Tổng công ty phải thực hiện khoanh nợ và xoá một phần nợ thì khả năng tái cơ cấu mới thành công.

 

"Tổng công ty đang đàm phàn lại với từng nhóm ngân hàng, các tổ chức tín dụng để khoanh nợ lại ít nhất trong năm nay để giảm bớt áp lực trả nợ', ông Sơn nói.

 

Không trả được nợ!

 

Sau khi nghe ông Sơn nêu cụ thể những khó khăn trong quá trình thực hiện đề án Tái cơ cấu Vinalines, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có chỉ đạo cụ thể để Vinalines thực hiện tháo gỡ vướng mắc trong qúa trình thực hiện tái cơ cấu.

 

Liên quan đến việc Cổ phần hoá (CPH) 10 cảng biển trong đó nhà nước giữ lại 75% cổ phần sẽ khó khăn cho Vinalines trong việc CPH, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói rõ, chỉ đạo chung của Chính phủ là như vậy, nhưng Vinalines cần tiến hành cụ thể từng dự án một, trên cơ sở từng dự án cảng biển Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ xem xét để tiến hành CPH.

 

"Vấn đề không phải là 75 hay 80% cổ phần, mà vấn đề chính ở đây là phải làm cụ thể từng dự án một rồi Bộ sẽ xem xét báo cáo thủ tướng để CPH", Bộ trưởng Bộ GTVT nói.

 

Liên quan đến khó khăn tài chính của Vinalines, ông Thăng nói rõ, hiện tại chẳng có ngân hàng nào muốn khoanh nợ của Vinalines, nhưng thực tế Vinalines không trả được nợ. Chính vì thế Vinalines phải làm việc với từng ngân hàng rất cụ thể xem cái nào thì rút cái nào thì bỏ, cái nào thì giảm.

 

Ông Thăng cũng chỉ đạo, Vinalines phải khẩn trương họp Ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinalines do thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công làm trưởng ban để xem có gì "vướng" phải báo cáo với Bộ giao thông để Bộ này làm việc với các đối tác, các ngân hàng để xử lý vướng mắc.

 

"Ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinalines trong tháng này phải báo cáo kết quả thực hiện triển khai tái cơ cấu để Bộ xem xét", Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu.

 

Ông Thăng cũng yêu cầu Vinalines đẩy mạnh việc bán tàu cũ vì việc này thực hiện quá chậm.

 

 Vinashin dư nợ vay lớn và tiếp tục gia tăng

 

Theo bà Đào Thanh Thảo, Vụ phó Vụ Tài chính (Bộ GTVT), tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính của Tập đoàn Vinashin rất khó khăn: đã mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu, không còn vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh; dư nợ vay lớn, tiếp tục gia tăng do chi phí lãi vay vốn và chênh lệch tỷ giá. Kết quả kinh doanh thua lỗ, lỗ luỹ kế lớn; tình hình công nợ và thực hiện xử lý nợ khó khăn.

 

Ông Vũ Anh Tuấn, quyền tổng giám đốc Vinashin, cũng cho biết tập đoàn này có 216 đơn vị trong diện tái cơ cấu, hiện có 19 đơn vị làm thỏa thuận với Công ty mua bán nợ quốc gia để thực hiện mua bán nợ, CPH nhưng đến thời điểm này chưa làm được gì.

 

Trong 43 đơn vị được Vinashin giữ lại, theo kế hoạch sẽ CPH 13 công ty mẹ, 12 công ty con thuộc tập đoàn nhưng chưa triển khai được đơn vị nào.

 

Theo Vũ Điệp

VEF