"Chúa Chổm" Vinashin và Vinalines còn nợ PVFC hơn 2.800 tỷ đồng

(Dân trí) - Để thuận lợi cho việc hợp nhất với Western Bank, PVFC đề nghị Ngân hàng Nhà nước không tính dư nợ đối với Vinashin và Vinalines vào tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng hợp nhất, để Ngân hàng Hợp nhất có đủ điều kiện và thời gian tiến hành khắc phục theo lộ trình.

Với tình hình nợ đầm đìa, Vinashin và Vinalines đang gây khó cho bên cho vay.
Với tình hình nợ đầm đìa, Vinashin và Vinalines đang gây khó cho bên cho vay.

Tại đề án hợp nhất với ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank), lần đầu tiên, tình hình tài chính của Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) được đề cập một cách rõ nét và cụ thể.

Theo đó, có một tình tiết cần lưu ý trong hoạt động tín dụng của PVFC đó là phần dư nợ (gốc) tại thời điểm 31/5/2012 của nhóm khách hàng Vinashin là 1.068 tỷ đồng và của nhóm khách hàng Vinalines là 1.745 tỷ đồng. Tổng cộng, phần vốn vay của Vinashin và Vinalines tại PVFC lên tới hơn 2.800 tỷ đồng.

Do biến động không thuận lợi của thị trường vận tải thế giới, hai khách hàng này rơi vào trạng thái khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ.

PVFC cho biết, để xử lý hai khoản nợ xấu này, Tổng công ty đang kết hợp đồng thời giữa tích cực thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo và sử dụng nguồn quỹ dự phòng để trích lập dự phòng bổ sung.

Ngoài ra, PVFC cũng dự kiến sử dụng một phần lợi nhuận trong năm 2012 để bù đắp các tổn thất do hai khoản nợ này gây ra (nếu có).

Tuy nhiên, để thuận lợi cho quá trình hợp nhất với WesternBank, tại bản đề án, PVFC đề nghị Ngân hàng Nhà nước không tính dư nợ đối với Vinashin và Vinalines vào tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng hợp nhất, để Ngân hàng Hợp nhất có đủ điều kiện và thời gian tiến hành khắc phục theo lộ trình.

Đồng thời, không tính dư nợ của Vinashin và Vinalines trong khi thực hiện xếp loại tổ chức tín dụng và xét duyệt mở chi nhánh.

60% tổng dư nợ là cho vay trong ngành dầu khí

Đề cập đến hoạt động đầu tư thua lỗ 439 tỷ đồng trong năm 2011, PVFC lý giải “do biến động bất lợi của thị trường” -  đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp kể từ năm 2010, PVFC gánh kết quả lỗ liên tiếp. Chính vì lý do này, PVFC đã chủ động giảm danh mục đầu tư trực tiếp trong các năm vừa qua.

Về hoạt động liên ngân hàng, PVFC có quan hệ gửi tiền và cho vay đối với các ngân hàng và công ty tài chính như Standard Chartered Bank, ANZ, UOB, BIDV, MSB, Công ty Tài chính EVN …, với tổng giá trị 8.322,88 tỷ đồng tính tại 29/2/2012.

Trong đó có 36,48 tỷ đồng tiền gửi quá hạn tại Công ty cho thuê tài chính II - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (ALC II).

Về hoạt động tín dụng, tổng dư nợ tín dụng tại thời điểm 31/12/2011 của PVFC ở mức 50.180 tỷ đồng, tăng 37,2% so với cuối năm 2010, chủ yếu do ủy thác cho vay tăng trên 10.000 tỷ đồng.

Đến thời điểm 29/2/2012, tổng dư nợ tín dụng tăng thêm 4,84% chủ yếu do là tăng cho vay các TCTD. Đáng lưu ý, trong cơ cấu dư nợ tín dụng, cho vay trong ngành dầu khí chiếm trên 60% tổng dư nợ.

Tại thời điểm 31/12/2011, tỷ lệ nợ xấu của PVFC ở mức 2,06%, cao hơn so mức 1,94% của năm 2010.

Bích Diệp