Thị trường vàng nghẹt thở trước áp lực lạm phát

An Chi

(Dân trí) - Thị trường tài chính đang "nín thở" chờ báo cáo lạm phát ở Mỹ, một thước đo quan trọng để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất.

Sáng nay (12/7), các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội giao dịch vàng miếng SJC tại 67,6 - 68,22 triệu đồng/lượng (mua - bán), giữ nguyên giá so với phiên trước. Tại TPHCM, giá thu mua tương đương thị trường Hà Nội nhưng giá bán ra rẻ hơn 20.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua bán dao động 600.000 - 620.000 đồng/lượng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.733 USD/ounce (tương đương 48,84 triệu đồng/lượng), giữ nguyên giá so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 19,38 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng nghẹt thở trước áp lực lạm phát - 1

Thị trường vàng "nghẹt thở" trước áp lực lạm phát (Ảnh: Tiến Tuấn).

Thị trường vàng tiếp tục gặp khó trước những đợt bán tháo mạnh. Ông Kieran Tompkins, chuyên gia từ Capital Economics dự báo, giá vàng cuối năm nay có thể thấp hơn 4% so với hiện tại. Nguyên nhân đến từ việc đồng USD mạnh lên và lợi suất thực tế tăng.

Hiện tại, thị trường tài chính đang "nín thở" chờ báo cáo lạm phát của Mỹ. Báo cáo này sẽ ảnh hưởng tới quyết định của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) về vấn đề lãi suất. "Lạm phát toàn phần được dự báo sẽ tăng, chủ yếu do giá năng lượng tăng", Giám đốc đầu tư Peter Boockvar của Bleakley Advisory Group nhận định.

Đồng quan điểm, CNBC cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ sẽ tăng mạnh hơn mức 8,6% ghi nhận trong tháng 5. Nếu mọi thứ đúng như dự báo, Fed sẽ duy trì mức tăng lãi suất 0,75% trong tháng 7.

Ngoài CPI, giới đầu tư còn chờ báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) và báo cáo niềm tin người tiêu dùng tháng 7 do Đại học Michigan (Mỹ) thực hiện. Báo cáo trên sẽ phản ánh kỳ vọng của người tiêu dùng về lạm phát trong tương lai, một thước đo quan trọng được Fed lưu ý khi điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Trong báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), kim loại quý đang bị mắc kẹt trong nhiều cuộc chiến. Cuộc chiến thứ nhất là giữa chính sách tài chính, tiền tệ của các ngân hàng trung ương với áp lực lạm phát gia tăng. Cuộc chiến thứ hai là tình hình địa chính trị bất ổn và sự rung lắc, biến động trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tại WGC lại lạc quan cho rằng, kim loại quý vẫn là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn. "Vàng từng có lịch sử hoạt động tốt trong bối cạnh lạm phát cao. Có những năm lạm phát hơn 3%, giá vàng tới 14%. Hay trong những thời kỳ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ trên 5% so với cùng kỳ, vàng đã tăng trưởng hơn 25%", WGC lấy dẫn chứng.