1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thị trường SIM rác: Thờ ơ trước giờ G

Một số người đang bỏ tiền đầu cơ SIM rác, đợi sau ngày 1/6 sẽ bán với giá cao.

Theo Thông tư 04/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tất cả loại SIM kích hoạt trước (SIM rác) sẽ bị cấm mua bán từ ngày 1/6. Nhưng theo ghi nhận, đến nay SIM rác vẫn đầy trên thị trường, còn dân buôn SIM thì “bình chân như vại”.

 

SIM rác ở đâu cũng có

 

Anh Nguyễn Thành Tâm, chủ một cửa hàng buôn bán SIM, thẻ cào khá lớn trên đường Võ Thị Sáu (quận 1), cho hay đã kinh doanh SIM rác từ nhiều năm nay và chưa bao giờ bị cơ quan chức năng “hỏi thăm”. Mỗi tháng cửa hàng anh bán ra vài ngàn SIM rác cho đủ loại khách hàng, chủ yếu là sinh viên.

 

“Bỏ ra vài chục ngàn đồng là có ngay một SIM với tài khoản cả trăm ngàn đồng, gọi hết lại vứt, mua cái mới. Tiện như vậy dại gì không xài” - anh Tâm nói. Cũng theo anh Tâm, do tâm lý “xài rồi bỏ” nên rất hiếm khách hàng hỏi về việc đăng ký dịch vụ.

 

Còn chị Hòa, chủ đại lý SIM thẻ trên đường 3-2, quận 11, cho biết: Do sắp đến ngày bị cấm nên cửa hàng đã tháo bớt băng rôn quảng cáo SIM rác để tránh gây chú ý, còn việc làm ăn, mua bán vẫn bình thường.

 

“Hiện có rất nhiều đại lý cấp một cung cấp SIM cho các cửa hàng bán lẻ. Muốn mua bao nhiêu cũng có, làm ăn quen chỉ cần gọi điện thoại báo số lượng là tôi giao tận nơi, tiền trả sau cũng được” - chị Hòa tiết lộ.

 

Thị trường SIM rác: Thờ ơ trước giờ G
Các cửa hàng vẫn rất thờ ơ trước lệnh cấm SIM rác từ ngày 1/6 của Bộ TT&TT.

 

Cũng theo chị Hòa, đại lý lớn thường “ôm” một đợt 7.000 - 8.000 SIM, cao điểm đến hơn 10.000 SIM, có như vậy mới lời nhiều. Cửa hàng lớn lấy mỗi lần vài trăm đến 1.000 SIM, điểm bán nhỏ thì vài chục đến 100 SIM và rất ít khi tồn hàng.

 

Đủ chiêu để lách quy định

 

Cả anh Tâm lẫn chị Hòa đều tỏ ra thờ ơ trước thông tin SIM rác bị cấm từ ngày 1/6. Theo chị Hòa, để lách Thông tư 04, hầu hết đại lý, cửa hàng đều dùng “chiêu” nhờ họ hàng, người quen đứng tên các SIM đẹp, có giá. Thậm chí chị Hòa còn đến cửa hàng cầm đồ của ông anh họ, dùng tên và số CMND của khách cầm đồ để đăng ký cho SIM.

 

Ngoài ra, gần đây còn xuất hiện một số đầu nậu chuyên bán tên tuổi, số CMND cho những người buôn SIM rác. “Mỗi số CMND có giá 15.000 đồng, đăng ký được cho ba thuê bao. Cần bao nhiêu họ cũng đáp ứng” - anh Tâm bật mí.

 

Ngoài những “chiêu” trên, anh Tâm cũng cho hay giới buôn bán SIM rác chẳng mấy quan tâm đến Thông tư 04 do thông tư này… của Bộ ban hành chứ không phải của nhà mạng (!?).

 

“Xuất phát của SIM rác cũng từ nhà mạng, vậy ai dại gì hất đổ nồi cơm của chính mình. Tôi chắc một thời gian sau mọi việc lại đâu vào đó thôi!” - chị Hòa lý luận. Cũng chính vì kiểu suy luận như trên, một số người buôn SIM rác đang bỏ tiền “ôm hàng” đầu cơ, đợi sau ngày 1/6 sẽ bán kiếm lời với giá cao.

 

Thời gian qua, Sở TT&TT yêu cầu các nhà mạng phải thông báo chủ trương xóa bỏ SIM rác tới các thuê bao đăng ký trên địa bàn TP thông qua các hình thức nhắn tin, tuyên truyền qua nhạc chờ… Tuy nhiên, vướng mắc là phần lớn người nhập cư lại không nhận được tin nhắn bởi họ đăng ký thuê bao tại các tỉnh, thành khác.

 

Theo Thu Hương

Pháp Luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm