Thị trường phát điện cạnh tranh: EVN vẫn hưởng lợi nhiều nhất

(Dân trí) - Thị trường phát điện cạnh tranh sẽ được triển khai thí điểm từ 1/7. Nhiều câu hỏi được đặt ra, trong đó có những lợi ích của người dân và các đơn vị tham gia cạnh tranh phát điện.

Ông Phạm Quang Huy - Trưởng phòng thị trường Điện lực, Cục Điều tiết điện lực - cho biết, hiện nay Việt Nam đang ở cấp độ thị trường bán buôn điện cạnh tranh, nghĩa là khâu truyền tải thuộc độc quyền nhà nước. Triển khai thị trường phát điện cạnh tranh đòi hỏi nhiều yếu tố, do đó, trước mắt Việt Nam chưa thể triển khai ngay được thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, thị trường mà khách hàng có thể lựa chọn mua từ bất cứ công ty phân phối nào.

Để triển khai thị trường phát điện cạnh tranh, hiện Bộ Công Thương đã mời các nhà tư vấn nước ngoài tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch vận hành thí điểm. Mô hình phát điện cạnh tranh ở Việt Nam là tập trung và chào giá theo chi phí.
Thị trường phát điện cạnh tranh: EVN vẫn hưởng lợi nhiều nhất - 1
Giá điện và chất lượng phục vụ sẽ có lợi cho khách hàng trong thị trường phát điện cạnh tranh?

Các đơn vị tham gia cạnh tranh phát điện là các nhà máy điện có công suất từ 30 MW trở lên đấu nối vào lưới điện quốc gia. Đơn vị mua buôn duy nhất là công ty mua bán điện của EVN. Đơn vị vận hành hệ thống điện và hệ thống quốc gia là Trung tâm Điều độ điện lực quốc gia.

Theo ông Trần Tuệ Quang, Trưởng ban Giá, phí (Cục Điều tiết điện lực), năm nay chúng ta sẽ đưa thị trường phát điện cạnh tranh vào vận hành, nếu không có cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ theo cơ chế thị trường thì tài chính ngành điện sẽ không đảm bảo. Cơ chế giá bán điện hiện tại không tách được chi phí sản xuất kinh doanh theo các khâu nên không phát được tín hiệu thu hút đầu tư.

Do đó, giá bán điện theo cơ chế thị trường sẽ được phân tách thành giá của 4 khâu: phát điện, truyền tải, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phân phối - bán lẻ điện. Giá phát điện được kiểm tra, điều chỉnh theo biến động của thông số đầu vào cơ bản gồm tỷ giá, giá nhiên liệu, cơ cấu sản lượng điện phát. Giá truyền tải, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trở hệ thống điện, phân phối - bán lẻ điện không điều chỉnh theo biến động của thông số đầu vào cơ bản. Thời gian tối thiểu gữa hai lần điều chỉnh giá bán điện là 3 tháng.

Trước những thông tin mà Bộ Công Thương đưa ra tại Hội nghị triển khai thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm, đại diện nhiều doanh nghiệp vẫn còn những băn khoăn. Ông Hoàng Xuân Quốc - Tổng Giám đốc Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 - cho rằng, cơ chế giá điện theo Quyết định 24 là để dành riêng cho EVN tăng giá điện bán lẻ cho người sử dụng. Còn đối với các nhà đầu tư khác có được áp dụng điều này hay không thì chưa rõ.

Ông Quốc lấy ví dụ, nếu đến ngày 1/6 giá điện tăng 5% thì các nhà đầu tư sẽ được tăng bao nhiêu % của 5%  mà EVN được áp dụng. Giá điện có thể tăng lên 10 cent, trong khi giá điện mà các doanh nghiệp ngoài bán cho EVN chưa đến 5 cent. Vậy 20 năm sau, giá điện lên 15 cent thì các nhà máy điện vẫn bán cho EVN 5 cent?

“Nếu bài toán không được xử lý về cơ chế thì việc chúng ta đang làm hiện nay chỉ làm lợi duy nhất cho EVN chứ chưa thể nói là huy động, kêu gọi đầu tư được nhà máy mới. Vì giá điện hiện nay mới là tăng giá điện bán lẻ mà chưa có chơ chế cho giá bán buôn” - ông Quốc nói.

Diệu Chi