Thị trường phân bón: “Sốt” ảo, thiệt hại thật

Những thông tin đại loại như giá urê thế giới tăng vọt, giá urê trong nước tăng, mặt hàng urê khan hiếm, rồi nguy cơ thiếu urê cho vụ hè thu... xuất hiện hư hư thực thực đã có tác động xấu đến thị trường.

Urê đứng giá, tiêu thụ chậm

Tại “chợ sỉ” phân bón Trần Xuân Soạn, Q.7 (TPHCM), khác với không khí vốn nhộn nhịp thường thấy tại khu vực được xem là “cảng trung chuyển” urê xuống khu vực ĐBSCL, hoạt động kinh doanh và vận chuyển phân bón tại đây khá vắng vẻ.

Một người đàn ông uể oải nửa nằm nửa ngồi trên sàn chiếc tàu nhỏ lộ vẻ ngạc nhiên nói: “Hổm rày có mua bán gì nhiều đâu. Nghe nói khu vực ĐBSCL “ăn” urê chậm lại rồi, thỉnh thoảng mới có một vài tàu đến đánh hàng đi”.

Tại các đầu mối cung cấp phân bón lớn ở “chợ sỉ” này, hoạt động mua bán phân bón cũng không còn tất bật. Khảo sát tại nhiều đầu mối cung cấp urê, giá urê bán ra được niêm yết cao nhất cũng chỉ khoảng 4.920đ/kg  đối với urê nhập, có nơi bán với giá 4.890đ/kg. Riêng urê Phú Mỹ được một số đầu mối thông báo giá là 4.720đ/kg kèm theo lời chào mời “hàng nhiều, muốn lấy bao nhiêu cũng cung cấp đủ”.

Ông Nguyễn Văn Hoa, cán bộ Công ty Lương thực - thực phẩm miền Trung (chuyên cung ứng phân bón cho các tỉnh từ Phú Yên đến Quảng Bình), cho biết trong tuần qua giá urê tại khu vực này đứng ở mức 4.900-4.930đ/kg hàng nhập, còn urê Phú Mỹ dao động từ 4.800-4.850đ/kg. Theo ông Hoa, đây là mức giá đã ổn định từ giữa tháng năm đến nay và rất khó có khả năng tăng cao hơn.

Ông Đinh Hữu Lộc - giám đốc Công ty Phân đạm và hóa chất dầu khí, cho biết việc tiêu thụ phân urê thời gian gần đây rất chậm, gần một tháng nay sản lượng urê bán ra của đơn vị này chỉ khoảng 30.000 tấn, thấp hơn nhiều so với con số 70.000 tấn mà đơn vị này lên kế hoạch tiêu thụ đến ngày 30-5. Nhiều nhà kinh doanh phân bón nhận định nhu cầu tiêu thụ urê giảm mạnh tại khu vực ĐBSCL do cây lúa vụ hè thu đã “ăn” hai đợt urê.

“Nếu không chấn chỉnh lại các hoạt động thu thập và cung cấp thông tin từ các đầu mối kinh doanh phân bón, không có sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa các nhà nhập khẩu, thị trường urê trong nước sẽ vẫn tiếp tục bất ổn và nông dân sẽ lãnh đủ” - ông Đinh Hữu Lộc, giám đốc Công ty Phân đạm và hóa chất dầu khí, nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Ngọ - giám đốc Công ty Hoàng Lê - thừa nhận giá urê tại thị trường nội địa đang thấp hơn mặt bằng giá cả urê trên thị trường thế giới nhưng khả năng giá urê trong nước tăng rất khó xảy ra.

Thông tin nhiễu loạn

“Thị trường urê thế giới đang “nóng” nhưng thông tin về giá cả đang rất bát nháo, cứ nghe giá chào bán urê tăng hằng ngày mà giá giao dịch thực tế không tăng”, ông Hoa khẳng định.

Tương tự, nhiều chuyên gia phân bón nhận định nguy cơ thiếu urê cho vụ mùa tới tại ĐBSCL chỉ là động tác giả, nhằm kích giá urê tăng và đẩy mạnh tiêu thụ hàng của một số “đại gia” kinh doanh phân bón hiện đang có lượng hàng tồn kho lớn.

Ông Đinh Hữu Lộc cho rằng nếu giá urê thế giới thật sự tăng sẽ không thể xảy ra chuyện nhiều đại lý kinh doanh phân bón (phần lớn là các nhà nhập khẩu và kinh doanh phân bón) đã trì hoãn việc lấy hàng Phú Mỹ với giá khá “mềm” sau khi đăng ký mua.

“Với số lượng urê nhập khẩu chiếm đến 60-70% nhu cầu trong nước, giá urê tại thị trường nội địa chắc chắn chịu sự chi phối của giá cả urê thế giới. Nhưng nếu thiếu sự phối hợp thông tin giữa các nhà nhập khẩu, tung thông tin không trung thực vì quyền lợi của mỗi đơn vị, không chỉ người nông dân mà ngay cả các nhà kinh doanh phân bón cũng chịu nhiều thiệt hại” - một chuyên gia phân bón nhận định.

Nhiều chuyên gia phân bón và cả những nhà kinh doanh phân urê cũng khá bức xúc khi cho rằng những cơn “sốt nóng” và “sốt lạnh” vẫn thường xuyên xảy ra trên thị trường phân bón nội địa đều có nguyên nhân chủ yếu là do những thông tin thiếu chính xác và không trung thực của nhiều nhà kinh doanh phân bón. Những “cơn sốt” phân bón từng xảy ra trong năm 2004 là bài học chưa cũ, đã có nhiều nhà kinh doanh phân bón lao đao và người nông dân cũng gánh hậu quả.

Ông Lộc nói rằng những thông tin dự báo về chuyện “doanh nghiệp sẽ không nhập urê” hoặc “thị trường urê sẽ thiếu hàng”... nhiều khả năng là “con dao hai lưỡi”. Một số đầu mối kinh doanh urê có thể lợi dụng thông tin này để tăng giá bán, việc có nhiều doanh nghiệp đổ xô vào ký hợp đồng nhập khẩu urê với hi vọng “một mình một chợ” sẽ tái diễn nguy cơ urê bị ứ đọng hàng và rớt giá như đã từng diễn ra trong năm 2004.

Theo Tuổi trẻ