Thị trường như tàu lượn, cổ phiếu liên quan đại gia Hải Phòng gây sốt
(Dân trí) - Thị trường đã có một phiên giao dịch gây thót tim cho số đông nhà đầu tư với cú "flash sale" chóng vánh. VN-Index có lúc chọc thủng 1.150 điểm trước khi bật hồi ấn tượng, HHS và TCH tăng kịch trần.
Vùng 1.150 điểm trở thành mốc hỗ trợ đắc lực cho VN-Index phiên hôm nay (22/8). Từ mốc này, VN-Index bật hồi rất nhanh trong sự ngỡ ngàng của giới đầu tư và đóng cửa với trạng thái tăng nhẹ.
Cụ thể, chỉ số đại diện sàn HoSE tăng 0,73 điểm tương ứng 0,06% lên 1.180,49 điểm. Đây có thể nói là kỳ tích khi mà VN-Index có thời điểm đã nhúng xuống tới mức 1.149,55 điểm.
VN30-Index tăng 3,19 điểm tương ứng 0,27%; HNX-Index tăng 1,69 điểm tương ứng 0,71% và UPCoM-Index nhích nhẹ 0,01 điểm.
Dòng tiền gia nhập thị trường rất mạnh mẽ trong phiên chiều, đẩy thanh khoản sàn HoSE lên mức 1,06 tỷ cổ phiếu tương ứng 21.712 tỷ đồng; HNX có 119 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.049 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 46 triệu cổ phiếu tương ứng 593 tỷ đồng.
Bức tranh thị trường được trả về trạng thái cân bằng với 460 mã tăng so với 443 mã giảm. Mặc dù bên cạnh VIC, VHM còn có VCB gây áp lực lên VN-Index, dù vậy, chỉ số vẫn nhận được sự hỗ trợ của phân nửa cổ phiếu VN30.
Đáng chú ý, toàn sàn HoSE có 6 mã tăng trần thì trong số đó có 2 mã liên quan tới đại gia Đỗ Hữu Hạ là TCH và HHS. Cổ phiếu TCH của Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy tăng trần lên 12.700 đồng, khớp lệnh 23,8 triệu đơn vị; HHS của Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy tăng trần lên 7.220 đồng. Cả hai mã đều trắng bên bán.
Sự đảo chiều của thị trường đã giải tỏa mối lo lắng lớn với số đông nhà đầu tư, nhất là những người mua đuổi cổ phiếu trong phiên hôm qua hoặc đầu phiên sáng nay. Bên cạnh đó, với những nhà đầu tư kịp bắt đáy cuối phiên sáng và đầu phiên chiều đã lãi đậm.
Nhiều cổ phiếu giảm sâu hoặc giảm sàn, kết phiên hôm nay tăng giá. Ví dụ, VRC có lúc giảm sàn nhưng kết phiên tăng 1%; PDR cũng tăng 1% dù có lúc giảm sàn; HPX đứng giá tham chiếu sau khi giảm sàn trong phiên.
Đáng chú ý, LDG đã thoát sàn, biên độ thiệt hại được thu hẹp, chỉ còn giảm 2,7% với khớp lệnh lớn lên tới 31,4 triệu đơn vị.
"Họ" Vingroup tiếp tục điều chỉnh: VIC giảm 2% còn 64.500 đồng; VHM giảm 0,9% và VRE giảm 0,7%. Các mã khác cùng ngành bất động sản như TDC, NLG, SJS, BCM vẫn giảm giá.
Hầu hết cổ phiếu trong các ngành nghề đều xuất hiện tình trạng phân hóa. Chẳng hạn tại ngành xây dựng và vật liệu, trong khi FCM tăng trần, HAS tăng 5,5%, TCD tăng 5%; HVX tăng 4,4%; CTR tăng 4,3% thì BCE lại giảm sàn, SC5 giảm 6,3%; HT1, CTD, HBC, NHA giảm giá.
Cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính vẫn là nhóm nhạy nhất với thị trường. Nếu như khi VN-Index giảm sâu những mã này lao dốc nhanh nhất thì khi thị trường phục hồi, nhóm này cũng tăng mạnh.
SSI từ vùng giá 27.850 đồng giao dịch ở mức thấp nhất đã đóng cửa tăng 6,4% lên 30.700 đồng; VCI tăng 5,2%; APG tăng 5,1%; VDS tăng 4,6%; VIX tăng 3,7%; CTS tăng 3,7%; BSI tăng 3,2%...
Những nhà đầu tư có sẵn cổ phiếu đã có thể hạ giá vốn nhanh chóng bằng cách "lướt" T0, theo đó, mua cổ phiếu vào phiên sáng với giá thấp và bán trong phiên ATC. Tuy nhiên, không phải mọi nhà đầu tư đều có thể chớp được cơ hội giao dịch như vậy do yếu tố tâm lý chung thường bán ra khi giảm mạnh và sợ mất cơ hội (fomo), mua vào khi thị trường tăng.