Thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam hậu Covid-19: Sân chơi của kẻ mạnh thực sự

(Dân trí) - Sân chơi gọi xe công nghệ tại Việt Nam, bên cạnh “siêu ứng dụng Đông Nam Á” là Grab, chỉ còn lại Go-Viet và “be”.

Sau khi Grab gia nhập thị trường Việt Nam năm 2014 và thâu tóm Uber vào 2018 thì thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam từ 2018 trở nên sôi động với nhiều cái tên như Go-Viet, be, FastGo, Vato, Aber, MyGo, MLV, Go-ixe, Xelo... Tuy nhiên, sau hai năm, nhiều cái tên trong số này đã trở nên mờ nhạt, thậm chí không còn xuất hiện đường phố…

Cuộc chơi không dễ dàng

Tháng 4/2018, ứng dụng gọi xe VATO (tên ban đầu là VIVU) ra mắt và được Công ty Vận tải xe khách Phương Trang mạnh tay chi 100 triệu USD (tương đương 2.200 tỷ đồng) để đầu tư và phát triển. Dịch vụ của VATO được quảng cáo bao gồm hai bánh, bốn bánh, giao hàng, mua vé xe và giao đồ ăn (VATO Food). Có lợi thế bởi đội taxi Future trước đó cũng như nguồn khách tiềm năng từ hàng ngàn chuyến xe liên tỉnh mỗi ngày, nhưng VATO của Phương Trang đến nay vẫn khá mờ nhạt, chỉ hoạt động tại TP. HCM.

Tháng 6/2018, FastGo - một thương hiệu từ tập đoàn NextTech - ra đời sau 03 năm thai nghén. Với lợi thế nền tảng công nghệ và mạng lưới đối tác doanh nghiệp, người dùng có sẵn của hệ sinh thái NextTech, FastGo khi đó được kỳ vọng sẽ là ứng viên nội địa sáng giá có thể cạnh tranh với Grab khi Uber rút khỏi thị trường. Tuy nhiên, sau tròn 2 năm ra mắt, ứng dụng này mới chỉ có được xấp xỉ 1% thị phần gọi xe công nghệ.

Thê thảm hơn là số phận của Aber. Đây là ứng dụng đặt xe được phát triển bởi một nhóm các kĩ sư Việt Nam tại Đức. Ứng dụng cũng ra mắt vào tháng 6/2018 với việc không thu chiết khấu tài xế. Tuy nhiên, sau khi triển khai được hai dịch vụ Aber Bike và Aber Car (gọi xe hai bánh và bốn bánh) tại TP. HCM được vài tháng thì ứng dụng này đã âm thầm rút lui không kèn trống...

Cùng số phận “chết non” như Aber là hàng loạt cái tên khác, cả nội địa lẫn nước ngoài, như MLV, T.NET, Go-ixe, Xelo… đã biết mất nhanh chóng trên thị trường.

Thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam hậu Covid-19: Sân chơi của kẻ mạnh thực sự - 1

Đọ sức anh tài

Sân chơi gọi xe công nghệ tại Việt Nam, bên cạnh “siêu ứng dụng Đông Nam Á” là Grab, chỉ còn lại Go-Viet và “be”.

Go-Viet, con đẻ của kỳ lân Go-Jek (Indonesia), dù phát triển mạnh mảng giao đồ ăn, nhưng phần gọi xe lại yếu thế khi chưa có giấy phép xe bốn bánh và vẫn chỉ có một phương thức thanh toán là tiền mặt. Với sự đầu tư mới nhất từ Facebook và Paypal, Go-Viet đang tham vọng lấn sân mảng tài chính – vốn là đích nhắm của các hãng gọi xe công nghệ khi đã có thị phần nhất định. Tuy vậy, hiện tại, theo báo cáo của ABI Research, Go-Viet vẫn chỉ đứng thứ ba thị trường, xếp sau một doanh nghiệp nội địa 100%, đó là beGroup với ứng dụng “be”!

Lăn bánh vào tháng 12/2018, “be” đã có màn chào sân ấn tượng khi tung ra cùng lúc hai dịch vụ hai bánh và bốn bánh ở cả Hà Nội và TP. HCM. Đến nay họ đã có mặt ở 10 tỉnh thành trên toàn quốc. beGroup không phải luôn có những bước đi hoàn toàn đúng. Họ đã bỏ cuộc sớm với mảng gọi đồ ăn để quay về mảng cốt lõi là vận tải và gây ra nhiều bàn tán xôn xao vào cuối 2019. Tuy nhiên, “be” đã sớm nhận ra cần tập trung vào lợi thế sân nhà và mọi nguồn lực trong lĩnh vực cốt lõi để làm bàn đạp tăng tốc và rút ngắn khoảng cách với đối thủ. Nhìn vào ứng dụng “be”, có thể thấy những sản phẩm mới, tính năng mới được tung ra một cách liên tục. Dân công nghệ dạo trước đã từng bất ngờ khi thấy “be” tung tính năng gọi điện qua app miễn phí trước cả gã khổng lồ Grab, và gần đây nhất là tính năng đặt hộ chuyến xe giùm người thân. Một chuyên gia trong ngành nhận định, Grab không phải không làm được tính năng này, nhưng họ muốn mọi người phải cài ứng dụng để có thể sử dụng dịch vụ của Grab. Trong khi đó, “be”- với đội ngũ nhân sự thuần Việt - muốn ứng dụng của mình được sử dụng bởi tất cả người Việt - dù đó là trực tiếp hay gián tiếp. Chỉ sau một năm ra mắt, “be” cũng đã bắt kịp các tính năng mà đối thủ phải mất mấy năm để nghiên cứu và phát triển.

Đến nay, “be” gần như đã hoàn chỉnh được một ứng dụng gọi xe với hai bánh, bốn bánh, giao hàng, đi chợ hộ, đi tỉnh hai chiều, thuê theo giờ, đặt hộ chuyến xe… thậm chí, bán cả vé xe khách trên ứng dụng! Về xu hướng thanh toán, “be” vừa hé lộ sẽ liên kết thêm với ví MOMO - ví điện tử có thị phần lớn nhất Việt Nam trong tháng 6 này, sau khi đã kết hợp với Smartpay. Không quá lời khi nói, ứng dụng be chính là một đại diện sáng giá của xu hướng mobility (công nghệ di động) tại Việt Nam sau thời gian dịch bệnh.

Nhìn về tương lai có thấy sông rộng đường dài?

Mới đây, có thông tin FastGo sát nhập vào beGroup, nhưng đại diện của “be” đã nhanh chóng phủ nhận. Rõ ràng, FastGo hoàn toàn không phải là mảnh ghép còn thiếu về thị phần lẫn công nghệ của ứng dụng Việt này trong công cuộc chinh phục thị trường nội địa! Bởi vì các thương vụ M&A chỉ đến khi hai bên nhìn thấy những điểm mạnh của đối phương để cùng bổ khuyết cho nhau và phát triển tốt hơn.

Mặt khác, đến thời điểm này, nguồn vốn đổ vào ứng dụng “be” vẫn là một ẩn số với giới đầu tư. Được mệnh danh là một ngành đốt tiền, nhưng “be” có vẻ vẫn dửng dưng với các thông tin được rót vốn triệu đô từ các đối thủ. Giới đầu tư hay ví von về beGroup như lời trong bài hát Duyên phận: “Phận làm con gái, chưa một lần yêu ai…”

Sau dịch bệnh, “be” không chỉ tung ra các tính năng mới cho mảng gọi xe như đặt hộ chuyến, thay đổi/thêm điểm đến… mà còn tích cực tung ra các gói hội viên và nâng cấp mảng khách hàng thân thiết. Đây chính là dấu hiệu cho thấy việc đầu tư vào miếng bánh sản phẩm tài chính trong một tương lai gần.

Go-Viet vừa được rót vốn. Nhưng beGroup vẫn bình chân trong công cuộc “tìm kiếm mối tình đầu”. Hoặc là họ đang có tiềm lực đủ mạnh. Hoặc là họ rất thận trọng tìm kiếm, để chọn lựa một đối tác chiến lược, hứa hẹn một vòng gọi vốn đột phá trong tương lai?

Thục Nhi - Trường Thịnh