Thị trường giao đồ ăn Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á

Minh Huyền

(Dân trí) - Thị trường giao đồ ăn trực tuyến của Việt Nam đạt tổng giá trị hàng hóa 1,8 tỷ USD vào năm 2024, trong đó Grab Food và ShopeeFood chiếm 95% thị phần.

Theo báo cáo "Các nền tảng giao đồ ăn tại Đông Nam Á" do Momentum Works - công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở ở Singapore vừa công bố, thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á đã tăng trưởng nhanh chóng và đạt 19,3 tỷ USD vào năm 2024, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. 

Đáng chú ý, thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất là 26% từ 1,4 tỷ USD năm 2023 lên 1,8 tỷ USD trong năm 2024. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi các yếu tố mở rộng phân khúc khách hàng, khu vực dịch vụ và sự hợp lực với các hoạt động kinh doanh khác của các nền tảng.

Theo sát sau là thị trường giao đồ ăn của Indonesia với tốc độ tăng trưởng 18%, đạt tổng giá trị hàng hóa là 5,4 tỷ USD vào năm 2024. Ngoài ra, nhiều thị trường khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số.

Grab Food tiếp tục thống trị khu vực, sở hữu 53,9% thị phần, trong khi ShopeeFood đã vượt qua Gojek để trở thành công ty lớn thứ 3 ở Đông Nam Á.

Thị trường giao đồ ăn Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á - 1

Tại Việt Nam, Grab Food đang chiếm 48% thị phần giao đồ ăn trực tuyến (Ảnh: Nguyễn Trường).

Tại Việt Nam, Philippines, Malaysia và Singapore, Grab Food và ShopeeFood hiện chiếm hơn 90% thị phần, trong khi ở Thái Lan và Indonesia, thị phần của hai công ty này chiếm trên 80%.

Riêng ở Việt Nam, Grab Food nắm giữ 48% thị phần, ShopeeFood bám sát phía sau với 47% thị phần. Thị phần còn lại thuộc về BeFood (4%) và Gojek (1%). Tuy nhiên, Gojek đã chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam vào tháng 9/2024.

Công ty nghiên cứu đánh giá mặc dù tốc độ tăng trưởng chung của ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) chậm lại ở mức 4,6%, nhưng việc áp dụng dịch vụ giao đồ ăn vẫn tiếp tục tăng trong các phân khúc khách hàng mới.

TikTok hiện cũng đã tham gia vào dịch vụ này tại Indonesia và Thái Lan. Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn đầu, nhưng sự gia nhập này có thể thách thức các nền tảng giao hàng.

Theo công ty nghiên cứu thị trường, các nền tảng giao đồ ăn đang tập trung vào hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa hậu cần cho người giao hàng và phân khúc khách hàng thành các nhóm phổ thông, tiêu chuẩn và cao cấp. Khả năng sáp nhập Grab - Gojek có thể định hình lại bối cảnh cạnh tranh vào năm nay.