Thị trường đường: Có ém hàng để ép giá?

Trước những thông tin cho rằng, có thể sẽ nhập thêm đường do sản lượng hụt, giá đường tăng cao, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã triệu tập khẩn cấp cuộc họp “nội bộ” với các nhà máy sản xuất đường trong cả nước để tìm cách chặn đường ngoại tràn vào Việt Nam...

So với cùng thời gian năm trước, giá đường hiện nay đang tăng khoảng 20-25%. Cụ thể là giá đường tinh luyện (RE) đang nằm ở mức 7.200 - 7.400 đồng/kg, tăng 700 đồng so với tháng 3; đường vàng (RS) đứng ở mức 7.000 - 7.100 đồng/kg, tăng 400 đồng.

Lý giải về nguyên nhân giá đường tăng mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam Lê Văn Tam cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do mặt bằng giá chung của thế giới tăng chứ không phải do chúng ta thiếu đường, rồi sinh ra tình trạng khan hiếm ảo.

Theo ông Tam, mức tăng giá đường như hiện nay là hợp lý, bảo đảm cho nhà máy không bị lỗ, tạo điều kiện cho nhà máy mua mía nguyên liệu của nông dân với giá cao.

Trong thời gian qua, các nhà máy mía đường ở phía Bắc đã mua đến 320.000- 350.000 đồng/tấn mía cho nông dân, tăng 60.000-70.000 đồng/tấn so với năm trước.

Còn theo ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Công ty Mía đường Cần Thơ, giá đường thời gian qua tăng mạnh là do hạn hán nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến phát triển vùng nguyên liệu khiến cho lượng đường thiếu hụt, nhu cầu sử dụng cũng ngày một tăng. Mặt khác, "giá tăng một phần cũng là do nhiều nhà máy ém hàng lại, chờ tăng giá rồi mới bán", ông Long nói.

Không đồng tình với quan điểm của ông Long, Tổng Giám đốc Nhà máy đường KCP (Phú Yên)- ông Subbaiah khẳng định, không hề có chuyện ém hàng dẫn đến thiếu đường cung cấp cho thị trường.

"Chúng tôi đã chào bán đường cho các công ty nước giải khát, nước ngọt mấy tháng nay mà chưa bán được một kí lô đường nào. Nếu đơn vị nào cần ký hợp đồng, ngay ngày mai tôi có thể bán cho 7.000 tấn đường tinh luyện bằng 70% lượng đường tồn kho của công ty" - ông Subbaiah khẳng định.

Giám đốc Nhà máy đường Hiệp Hòa Nguyễn Trọng Cầu cũng khẳng định, hiện nhà máy đang còn tồn kho 6.000 tấn mà vẫn không bán được, vậy làm gì có chuyện thiếu đường để phải nhập khẩu.

Theo thống kê của Hiệp hội Mía đường, so với năm 2004, sản lượng đường do các nhà máy bán ra thị trường tăng 20% trong khi sản lượng không tăng thì không thể có chuyện ém hàng.

Kiến nghị không nhập khẩu đường

Tại cuộc họp, toàn bộ các nhà sản xuất mía đường đã đồng loạt kiến nghị Chính phủ không nên cho nhập khẩu đường. Ông Nguyễn Thành Long nói nếu Chính phủ cho nhập khẩu đường sẽ "đè bẹp" người dân trồng mía trước tiên, sau đó là đến các nhà máy.

Ngay tại cuộc họp, ông Lê Văn Tam cũng đã cập nhật giá đường tại nhà máy đường Lam Sơn - Thanh Hóa (nhà máy thuộc hàng lớn nhất nước) trong sáng 12-5 đã giảm thêm 200 đồng/kg và giảm tổng cộng trong vòng 10 ngày qua là 500 đồng/kg sau khi có tin Chính phủ cho phép nhập khẩu đường.

Ông Tam nói: "Từ đầu năm đến nay, hạn hán diễn ra gay gắt đã làm nhiều vùng mía bị giảm cả về diện tích và năng suất. Vì thế, nhờ giá đường hiện nay tăng cao, nên giá mua mía tăng lên, nông dân đã yên tâm thâm canh tăng năng suất. Nếu Chính phủ cho nhập đường vào lúc này sẽ làm cho giá đường xuống thấp, kéo theo giá mía giảm mạnh, nông dân sẽ phá bỏ mía, cuộc sống của họ sẽ không ổn định và đe dọa đến sự sống còn của các nhà máy".

Ông Nguyễn Ngọc Thạnh, Giám đốc Nhà máy đường Tây Ninh cũng cho hay, ngành mía đường được Chính phủ xác định là ngành xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, vậy phải đặt lên bàn cân giữa lợi ích của một số nhà nhập khẩu với ngành mía đường, người trồng mía.

Theo SGGP