Thị trường chứng khoán tăng cao nhưng rủi ro cũng đang hiện hữu

(Dân trí) - “Thị trường chứng khoán (TTCK) năm nay có tốc độ tăng tốt nhưng tôi không đồng ý là tăng ổn định bền vững”, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính -ngân hàng nhận định.

Các chuyên gia nhận định, dòng vốn đầu tư hiện nay chủ yếu chỉ đổ vào hai lĩnh vực là bất động sản và chứng khoán. (Ảnh: Hồng Vân)
Các chuyên gia nhận định, dòng vốn đầu tư hiện nay chủ yếu chỉ đổ vào hai lĩnh vực là bất động sản và chứng khoán. (Ảnh: Hồng Vân)

Theo đó, tại hội thảo Cơ hội đầu tư – kinh doanh 2018 tổ chức hôm qua (5/1) tại Thanh Hóa, ông Hiếu cho biết ông nhìn sự phát triển của thị trường chứng khoán một cách rất thận trọng và luôn xem xét mặt rủi ro nhiều hơn.

Cụ thể, ông cho biết: “TTCK năm nay có mức độ tăng tốt nhưng tôi không đồng ý là tăng ổn định bền vững. Tháng 6 và 7 tôi nhớ các chuyên gia cũng dự báo là VN Index có thể tăng lên 800 điểm nhưng không ai dám nói lên 1000 điểm. Vậy mà đột nhiên lên tới hơn 1000 điểm, ai cũng vui mừng nhưng trong đó, sự rủi ro cũng đã hiện hữu”.

Lấy dẫn chứng, ông Hiếu cho hay, điểm chứng khoán tăng đột biến chỉ trong 1 Quý thì dòng tiền đó ở đâu, nhà đầu tư nào bỏ tiền vào, khối ngoại nắm bao nhiêu, từ quốc gia nào, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ hay đâu?

Thêm nữa, ông Hiếu còn cho rằng cần chú ý dòng tiền đó ra vào như nào, họ đến Việt Nam với mong muốn xây dựng hay trục lợi và khi nào thị trường chênh vênh thì rút.

“Theo tôi ta cần nghiên cứu sâu về vấn đề này và phải thận trọng”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Việt Nam đang quá lệ thuộc vào dòng vốn ngoại.

“Hội nhập thì tuyệt vời khi năm vừa qua xuất siêu, FDI đổ vào nhiều... nhưng đấy cũng tiềm ẩn rủi ro và có thể gọi là rủi ro tập trung”, ông Lực cho hay.

Đồng tình với ông Lực, ông Hiếu nhận định, sự tăng đột biến này có yếu tố trong nước.

Cụ thể, ông Hiếu cho biết: “Tôi làm ngân hàng thấy tăng trưởng tín dụng trên 19% nhưng tiền chủ yếu chỉ đổ vào hai lĩnh vực là bất động sản và chứng khoán”.

Đáng nói, các chuyên gia e ngại rằng sự tăng trưởng của VN Index nằm trên thị trường thứ cấp chứ không phải sơ cấp. Tiền này chỉ là các đại gia trao đổi với nhau chứ không đi vào sản xuất.

“Tôi cảm tưởng các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư ngoại họ đầu tư vào thị trường chứng khoán nhưng chỉ là cảm tính. Tất nhiên họ là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, đưa ra nhiều chỉ số nhưng ta thấy họ đầu tư chỉ vì cảm giác Việt Nam là thị trường hấp dẫn”, ông Hiếu nói.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng đưa ra một thực tế khi sau 20 năm, nước ta vẫn chưa có một công ty nào xếp hạng doanh nghiệp.

Bàn về dòng vốn ngoại với thị trường chứng khoán Việt Nam năm vừa qua, ông Thomas Felix Baden, Quyền Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý quỹ hợp lực (Unicap) cho rằng, những vụ thoái vốn DN Nhà nước có tiếng vang trong năm qua là rất tốt cho nền kinh tế Việt Nam và các DN Việt. Đó là cách tích cực để các doanh nghiệp này xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, giúp doanh nghiệp Việt mở rộng đầu tư ra quốc tế.

“Ở đây không có câu trả lời đúng hay sai cho việc cổ phần hóa DN mà phụ thuộc vào cách nhìn dài hạn, chiến lược của các DN nước ngoài đối với công ty đó”, ông Thomas nói.

Hồng Vân

Thị trường chứng khoán tăng cao nhưng rủi ro cũng đang hiện hữu - 2