Thị trường chứng khoán: Những dự báo và bài học từ Thái Lan
Trong vòng 2 tháng qua, chỉ số VN-Index đã liên tục tăng, mức kỷ lục luôn bị phá vỡ, gây sửng sốt đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. <a href="http://www6.dantri.com.vn/kinhdoanh/2006/12/158758.vip"> Thị trường chứng khoán Thái Lan</a>, hôm 19/12, vừa qua được xem là 1 bài học cấp thiết cho Việt Nam.
Đang cuốn hút làn sóng các nhà đầu tư cá nhân mới chưa có kinh nghiệm và kỹ năng đầu tư, song thị trường cổ phiếu cũng đang tiềm ẩn nguy cơ rớt giá mạnh trong năm 2007.
Chỉ trong vòng chưa đến 20 phiên, chỉ số VN-Index tăng vọt từ 633,05 điểm (30/11) lên 809,86 điểm (phiên 20/12), tăng 176,81 điểm. Chỉ số HASTC-Index cũng tăng kỷ lục, từ 214,77 điểm (6/12) lên 258,78 điểm (phiên 20/12), tăng 44,01 điểm. Nếu không bị khống chế giá trần thì giá cổ phiếu sẽ còn nhảy vọt lên mức cao gấp hơn 2 lần so với mức tăng giá trong tháng 12/2006.
Trước tình hình cổ phiếu liên tục tăng giá quá nóng, ngày 21/12, ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM đã chính thức bày tỏ mối lo ngại về tình hình giao dịch cổ phiếu hiện nay.
Ông Sinh nói: “Tôi e ngại một diễn biến thị trường như trong tháng 4 hồi đầu năm có thể lặp lại (giá cổ phiếu tăng quá nóng rồi lại rơi rất nhanh - PV). Chỉ số P/E bình quân của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang là 38,18 lần. So sánh với mức trung bình của các thị trường khác, P/E chỉ dao động từ 10 đến 17 lần.
Với tương quan như vậy, tôi lo ngại rằng giá cổ phiếu hiện nay vượt quá cao so với giá trị thực của nó, tạo ra một hàm ếch mà thị trường sẽ tự điều chỉnh bất cứ lúc nào. Nhà đầu tư trong nước cũng đã có nhiều kinh nghiệm và kiến thức hơn về thị trường chứng khoán, tuy nhiên, việc giá cả liên tục tăng cao như hiện nay đang là cám dỗ khó dừng đối với các nhà đầu tư.
Tôi nghĩ rằng nếu giá cả tiếp tục tăng như hiện nay cũng có nghĩa là chúng ta phải đối mặt với sự điều chỉnh càng lớn”.
Việc lãnh đạo cao nhất sàn giao dịch TPHCM đưa ra lời dự báo sắp tới sẽ có sự điều chỉnh lớn giá cổ phiếu trong thời điểm hiện nay có thể sẽ làm cho thị trường dịu đi, nhưng nếu giá cổ phiếu tiếp tục tăng nóng trong những ngày cuối năm thì có nguy cơ sẽ xảy ra cuộc “đại hạ giá” hàng loạt cổ phiếu trong nửa đầu năm 2007.
Thực tế trong hàng chục năm qua trên các thị trường chứng khoán của thế giới, giá cổ phiếu không bao giờ tăng mãi, khi giá lên quá nhanh trong thời gian ngắn sẽ có lúc rớt giá sâu và cũng nhanh không kém.
Một số nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, chỉ số P/E ở mức 15-17 lần là có thể đầu tư mua vào cổ phiếu, còn ở mức gần 40 lần như hiện nay thì người mua cổ phiếu cần hết sức thận trọng vì rủi ro tiềm ẩn rất lớn.
Năm 2007 sẽ có rất nhiều doanh nghiệp phát hành cổ phiếu để tăng vốn, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết và sắp niêm yết trong năm 2006 và 2007 chưa thể đuổi kịp tốc độ tăng vốn. Năm 2007 cũng sẽ có nhiều doanh nghiệp niêm yết không còn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đây là những nhân tố có thể làm cho chỉ số P/E trung bình của thị trường sẽ giảm từ mức gần 40 lần hiện nay xuống còn khoảng 16-17 lần trong năm 2007, và có thể sẽ giảm thêm trong năm 2008.
Một yếu tố nữa có thể làm cho thị trường cổ phiếu dịu đi, đó là dự kiến đến cuối năm 2006 sẽ có khoảng 55 công ty chứng khoán và 100 công ty niêm yết trên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM. Như vậy, chỉ nội trong 10 ngày tới sẽ có thêm 33 công ty chứng khoán và 30 công ty nữa niêm yết tại sàn TPHCM, một con số kỷ lục kể từ trước đến nay.
“Ngày thứ Ba đen tối”
Thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với những sự kiện có thể xảy ra ngoài dự báo của các nhà đầu tư, những công ty quản lý và các quỹ đầu tư. Sự kiện mới nhất tại Thái Lan vừa xảy ra là một thí dụ điển hình để các nhà đầu tư tham khảo.
Thứ Ba, ngày 19/12/2006 đã trở thành ngày kinh hoàng và đen tối nhất của thị trường chứng khoán Thái Lan trong 31 năm qua. Ngay sau khi Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) công bố những biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn đà tăng giá của đồng Baht, hàng loạt những nhà đầu tư nước ngoài đã đầu cơ quy mô lớn cổ phiếu ở thị trường chứng khoán Thái Lan bị sốc nặng.
Theo quyết định của BOT, tất cả các khoản đầu tư gián tiếp nước ngoài vượt ngưỡng 20.000 USD sẽ phải được giữ ở Thái Lan ít nhất là 1 năm mới được chuyển ra nước ngoài và 30% trong số đó phải gửi vào Ngân hàng Nhà nước Thái Lan với lãi suất 0%. Quyết định này nhằm hạn chế nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào thị trường chứng khoán làm tăng giá đồng Baht lên mức quá nóng, tăng 14% so với USD kể từ đầu năm 2006 đến nay.
Tuy nhiên, quyết định của BOT là một tai họa cho thị trường chứng khoán, để lại hệ quả xấu cho nền kinh tế Thái Lan và làm giảm sút uy tín của chính quyền dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài.
Những phút đầu tiên của phiên giao dịch ngày 19/12 tại sàn chứng khoán Bangkok, các nhà đầu tư nước ngoài hoảng loạn, ồ ạt bán thốc bán tháo cổ phiếu trị giá khoảng 600 triệu USD để rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán Thái Lan. Cơn lốc bán tháo cổ phiếu đã buộc sàn giao dịch phải đình chỉ ngay khi giá tất cả các cổ phiếu giảm trung bình gần 15%.
Theo Hải Bằng
VnEconomy