Thị giá Blue-chips chưa “nói hết” giá trị thực

(Dân trí) - Thị giá của các blue-chips hàng đầu “chưa phản ánh đầy đủ giá trị thực” khi thị trường đang có nhiều điều chỉnh như hiện nay. Đây là khẳng định được nhóm chuyên gia nghiên cứu độc lập của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) kết luận trong báo cáo “Góc nhìn của người trong cuộc: Câu chuyện về sự tăng trưởng”.

Tuy nhiên, không phải tất cả blue-chips niêm yết trên sàn TPHCM và Hà Nội đều chưa phản ánh hết giá trị thực. SSI chỉ “lọc” ra 20 công ty có giá trị vốn hoá chiếm tới 80% tổng vốn hoá toàn thị trường đưa vào danh sách này. Theo SSI, 20 blue-chips này chưa được định giá đúng mức, thị giá chưa nói lên hết được giá trị thực khi mà hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng đều đạt mức ấn tượng.

Cũng cần phải nói thêm là báo cáo của SSI chỉ mang tính kết luận từ nghiên cứu độc lập của các chuyên gia và dành chủ yếu cho khách nước ngoài tham khảo khi đứng trước quyết định “chọn mặt gửi vàng” ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Do đó, nó không phải là căn cứ để định ra cổ phiếu nào thực sự tốt hay không.

Theo nhận định của SSI, mức tăng doanh thu trung bình của 20 công ty được đánh giá này đạt tới tỷ lệ 58,32%. Dù cao hơn cả mức trung bình của 50 công ty lớn nhất thuộc S&P (Mỹ) 3 năm trở lại đây, nhưng, mức vốn hoá của các công ty này vẫn chưa thể đáp ứng được chuẩn quốc tế.

Và dù đánh giá thị giá của 20 blue-chips này chưa phản ánh đầy đủ giá trị thực nhưng chính báo cáo cũng chỉ ra, chỉ số P/E (tỷ lệ về giá trên lợi nhuận) của không ít công ty trong số này hiện đang cao ngất ngưởng so với giá trị thật của nó. Thời kỳ đỉnh cao khi VN-Index chạm đỉnh 1.171 điểm (ngày 12/3), P/E trung bình của những công ty này lên tới hơn 50.

Tuy thẳng thắn nhìn vào thực tế P/E của các công ty đánh giá là quá cao, báo cáo của SSI vẫn kiên định với kết luận của mình khi khuyên giới đầu tư nên “công bằng hơn” khi nhìn các công ty này không phải chỉ với góc độ P/E mà cả ở sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên doanh thu hơn lợi nhuận trên mỗi cổ phần.

Thực tế, nếu tính lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu, lợi nhuận nhà đầu tư thu được chỉ vài nghìn đồng, thậm chí vài trăm đồng/mỗi cổ phiếu. Hẳn nhà đầu tư đã không bỏ hàng trăm, hàng tỷ đồng chỉ để thu lại số lãi ít ỏi nếu xét “thẳng thừng” cổ tức thu được từ đầu tư.

Nói về hiệu ứng của bản báo cáo có thể xảy ra đối với các nhà đầu tư trong nước, lãnh đạo SSI nhấn mạnh: Báo cáo trên không có mục đích đánh giá cổ phiếu của từng công ty mà chỉ ra xu hướng của cả thị trường dựa trên biến động của những cổ phiếu chủ chốt, có vai trò dẫn dắt, chi phối thị trường. Theo đó, Nhà đầu tư có thể tham khảo những nhận định, đánh giá trong bản báo cáo chứ không nên dựa vào đó để ra quyết định đầu tư.

Danh sách 20 công ty bản báo cáo đề cập:

 

1.Công ty cổ phần phát triển và đầu tư công nghệ FPT (FPT)

2.Công ty cổ phần sữa VN (VNM)

3.Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (STB)

4.Ngân hàng Á Châu (ACB)

5.Công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại (PPC)

6.Công ty cổ phần khoan và dịch vụ khoan dầu khí VN (PVD)

7.Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI)

8.Công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE)

9.Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VHS)

10.Công ty cổ phần cáp và vật liệu viễn thông Sacom (SAM)

11.Công ty cổ phần Bảo Minh (BMI)

12.Công ty cổ phần khu công nghiệp Tân Tạo (ITA)

13.Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS)

14.Công ty cổ phần liên hiệp vận chuyển Gemadept (GMD)

15.Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC)

16.Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVS)

17.Công ty cổ phần xi măng Bút Sơn (BTS)

18.Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (TDH)

19.Công ty cổ phần vận tải xăng dầu VIPCO (VIP)

20.Công ty cổ phần nhựa Bình Minh (BMP)

An Hạ