1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thí điểm giao dịch điện tử qua kho bạc

(Dân trí) - Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hà Nội vừa tổ chức thí điểm giao dịch điện tử qua kho bạc. Thời gian thực hiện thí điểm là tháng 9 và 10, sau đó giao dịch này sẽ được triển khai tới 5 tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc.

Kho bạc Nhà nước cho biết, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2010 -2015, sẽ cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp.

Trong số 30 dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, KBNN thực hiện 3 dịch vụ: Giao dịch một cửa nhằm giao, nhận hồ sơ và trả kết quả kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN) điện tử của KBNN; giao dịch thanh toán điện tử đối với các khoản chi NSNN của KBNN với các đơn vị NSNN, chủ đầu tư; đăng ký mở và sử dụng tài khoản tại KBNN bằng hình thức điện tử.

 

Thí điểm giao dịch điện tử qua kho bạc - 1

Toàn bộ hoạt động kế toán của Kho bạc Nhà nước Hà Nội hiện sử dụng hệ thống TABMIS trong quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước (ảnh TTXVN).

 

Theo đó, Kho bạc Nhà nước Hà Nội đã tổ chức hội nghị thí điểm giao dịch điện tử qua kho bạc. Đây là đơn vị đầu tiên được Kho bạc Nhà nước Việt Nam chọn thí điểm triển khai chương trình giao dịch điện tử.

Thời gian thực hiện thí điểm là tháng 9 và 10, sau đó giao dịch này sẽ được triển khai tới 5 tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc.

Giao dịch điện tử nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác kiểm soát chi ngân sách Nhà nước của hệ thống kho bạc.

Giao dịch này còn có tác dụng minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử; giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho những người thực hiện công việc giao dịch với kho bạc.

Đơn vị thực hiện giao dịch điện tử là đơn vị sử dụng NSNN và các ban quản lý dự án.

Khi thực hiện giao dịch điện tử, đơn vị có thể gửi hồ sơ, chứng từ điện tử qua dịch vụ công của KBNN 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, tết.

Lợi ích của giao dịch điện tử là có hệ thống cảnh báo kiểm soát chi quá thời hạn. Đồng thời, giúp lãnh đạo KBNN các cấp có thể kiểm tra được tình trạng xử lý hồ sơ kiểm soát chi, làm tăng tính trách nhiệm đối với cán bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Do thí điểm nên các đơn vị sử dụng ngân sách vẫn có thể áp dụng song song hai phương pháp giao dịch điện tử và giấy truyền thống. Cả hai phương pháp trên đều có giá trị pháp lý như nhau.

Đối với những tài liệu pháp lý chi đầu tư có dung lượng lớn hơn 5Mb, nên không thể tải lên được dịch vụ công, các đơn vị sử dụng ngân sách vẫn đến KBNN nộp hồ sơ trực tiếp.

An Hạ

 

Thí điểm giao dịch điện tử qua kho bạc - 2