1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Theo dõi chứng khoán như… xem chung kết bóng đá: Nghẹt thở!

Mai Chi

(Dân trí) - Việc theo dõi thị trường chứng khoán trong phiên sáng nay (2/3) tựa như đang theo dõi một trận đấu bóng cực kỳ quan trọng với những cảm xúc bồi hồi, lo âu, thấp thỏm, chực vỡ òa… của giới đầu tư.

Tuy nhiên, cũng như những trận bóng, thông thường diễn biến cụ thể trong phiên lại không hoàn toàn như kỳ vọng và luôn có những bất ngờ và những thời khắc nghẹt thở.

Theo dõi chứng khoán như… xem chung kết bóng đá: Nghẹt thở! - 1

Biến động đầy gay cấn của VN-Index và VN30-Index trong phiên buổi sáng 2/3

Ngay từ đầu phiên buổi sáng, với sự hưng phấn của hầu hết nhà đầu tư, tin chắc rằng thị trường sẽ vượt "vũ môn" thành công, song, ngay khi gần chạm đích thì chỉ số lại quay đầu.

Đồ thị của VN-Index sáng nay gập ghềnh lên xuống, đảo pha liên tục khiến nhà đầu tư nếm đủ mọi dư vị cảm xúc.

Chỉ cần chỉ số phục hồi và cổ phiếu xanh mạnh thì lập tức nhà đầu tư bán ra. Trong số này có những nhà đầu tư quyết định chốt lời T+, cũng có những nhà đầu tư bị kẹp hàng vùng đỉnh suốt cả tháng qua và ngay khi hòa vốn, họ lập tức thoát hàng.

Như vậy, có thể thấy, ngưỡng 1.200 điểm không đơn thuần là một ngưỡng cản mang tính kỹ thuật, mà với phần lớn nhà đầu tư thì đây là ngưỡng tâm lý khó vượt.

Tạm đóng cửa phiên sáng, VN-Index về sát vùng tham chiếu, tăng nhẹ 0,18 điểm tương ứng 0,02% lên 1.186,35 điểm; HNX-Index giảm 0,45 điểm tương ứng 0,18%còn 251,92 điểm và UPCoM-Index giảm 0,22 điểm tương ứng 0,29% còn 77,37 điểm.

"Ai cũng canh chốt lời thì làm sao vượt được đỉnh?" - anh Phan Thái Hoàng, một nhà đầu tư bình luận.

Tuy vậy, nỗ lực bắt hàng vẫn mạnh mẽ, thể hiện qua giá trị dòng tiền lớn đổ dồn dập vào thị trường ngay trong sáng nay.

Mới chỉ một buổi giao dịch mà HSX đã thu hút 11.907,56 tỷ đồng với khối lượng giao dịch đạt 461,33 triệu cổ phiếu. HNX có 80,76 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.416,65 tỷ đồng và con số này trên UPCoM đạt 33,18 triệu cổ phiếu tương ứng 519,49 tỷ đồng.

Cũng bởi dòng tiền vào thị trường mạnh mẽ nên cường độ giao dịch cũng tăng lên. Lúc này, tình trạng nghẽn mạng diễn ra sớm, không còn đợi đến sau 1h30 chiều như trước đây.

"Sáng ra đã giật lắc, giá cổ phiếu trên bảng điện tử không hề chuẩn chút nào" - một nhà đầu tư bình luận và tỏ ý phàn nàn bảng giá của các công ty chứng khoán bị "lag", không phản ánh đúng mức thị giá đang được giao dịch trên thị trường.

Ngành thép vẫn đang là nhóm có giá cổ phiếu giữ được "sức nóng" khi thị trường rung lắc mạnh. TLH miệt mài tăng trần lên 9.680 đồng; VIS tăng trần lên 20.250 đồng; SMC tăng 4,67%; NKG tăng 1,33%; HPG tăng 1,08%; POM tăng 5,14%;

Mặc dù nhóm dầu khí đang bị chốt lời, PLX, PVS, PVD, PVI, PVT, PGS, POS, PTL, PVC, PXS, PVB, ASP… đều giảm giá, thế nhưng vẫn có một số mã tương đối khỏe. Cụ thể, BSR tăng 4,55%; PLC tăng 5,43%; PET tăng 2,54% và PXL tăng 5,94%.

DDV tăng trần 14,8% lên 12.400 đồng sau thông tin thiếu hụt nghiêm trọng phân bón DAP. DPM, BFC, LAS, SFG, DCM, PMB cũng tăng giá.

Theo đánh giá của chuyên gia phân tích tại BSC, VN-Index có thể sẽ hướng về vùng đỉnh lịch sử quanh 1.200 vào những phiên tới nhưng chưa thể có sự bứt phá trong một sớm một chiều.

Còn SHS thì cho rằng, nhiều mã đã vào xu hướng tăng ngắn hạn mới cũng như nhiều mã vượt vùng đỉnh giá tương ứng VN-Index 1.200 thời điểm tháng 1/2021 như nhóm cổ phiếu dầu khí.

Trên góc nhìn kỹ thuật, xu hướng trung hạn tiếp tục là tích cực do thị trường đang trong sóng tăng 5 với mục tiêu trên lý thuyết quanh ngưỡng 1.250 điểm.

Theo đó, nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngắn hạn vẫn có thể xem xét chọn lọc các cổ phiếu tăng trưởng, thu hút dòng tiền tốt với kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 1/2021 tích cực, nhất là đối với các mã đã vượt được vùng đỉnh cũ khi xảy ra rung lắc, điều chỉnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm