1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Đại gia thép "hốt bạc", chứng khoán thoát hiểm

Mai Chi

(Dân trí) - Giữa lúc thị trường gặp khó và chật vật hồi phục thì nhóm cổ phiếu ngành thép vẫn tăng mạnh, nhiều mã tăng kịch biên độ, dư mua trần lớn, lệnh bán đều được hấp thụ sạch sẽ.

Mặc dù thoát hiểm trong sáng nay (26/2), nhưng chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam VN-Index vẫn chưa thể hồi xanh và quanh quẩn ở ngưỡng 1.160 điểm.

Nhà đầu tư trong thời gian này trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Từ hoảng sợ đến thấp thỏm lo âu, hi vọng rồi ấm ức… Tất cả tạo nên vẻ đẹp của chứng khoán, có lúc thăng hoa song cũng có thời điểm khó khăn và đầy hoài nghi.

Tạm khép lại phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index đánh mất 7,28 điểm tương ứng 0,62% còn 1.158,15 điểm. VN30-Index diễn biến đồng pha với chỉ số chính, cũng đang mất 7,62 điểm tương ứng 0,65% còn 1.162,2 điểm. Nguyên nhân do biến động của chỉ số chính chủ yếu do tác động chi phối của các mã lớn trong VN30.

Đại gia thép hốt bạc, chứng khoán thoát hiểm - 1

Sắc đỏ vẫn chiếm chủ đạo trong bức tranh thị trường sáng 26/2

Trên sàn HNX, chỉ số tăng 5,06 điểm tương ứng 2,05% lên 251,26 điểm, trong khi đó, UPCoM-Index lại sụt giảm 0,19 điểm tương ứng 0,25% còn 76,29 điểm.

Tiền vẫn kiên trì chảy vào thị trường thế nhưng điểm đáng chú ý là dòng tiền nhập cuộc mạnh nhất chính vào thời điểm chỉ số lao dốc và xuống thấp nhất phiên (khoảng 9h15) sau đó thận trọng và không tranh mua đuổi.

Cụ thể, tổng giá trị giao dịch trên HSX sáng nay đạt 9.118,81 tỷ đồng với khối lượng ở mức 342,25 triệu đơn vị giao dịch. HNX có 67,13 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.149,88 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 43,65 triệu đơn vị tương ứng 415,07 tỷ đồng.

So với thời điểm đầu phiên, số lượng mã hồi phục đã gia tăng, thế nhưng bức tranh chủ đạo của thị trường vẫn thiên về sắc đỏ. Thống kê có 516 mã giảm giá, 33 mã giảm sàn so với 331 mã tăng, 69 mã tăng trần.

Những cổ phiếu phần nào khiến chỉ số bị "đè" và chưa thể bứt phá gồm có VIC, VHM, VCB, GAS, VNM, GVR, BID. Đây đều là những mã trụ cột của sàn HSX.

Bộ ba cổ phiếu ngân hàng gồm ACB, VIB, MBB vẫn tăng rất khỏe và nằm trong top có ảnh hưởng tích cực nhất đến thị trường chung.

Dù vậy, tâm điểm của thị trường vẫn nằm tại nhóm cổ phiếu ngành thép. Giữa lúc thị trường gặp khó và chật vật hồi phục thì nhóm cổ phiếu ngành thép vẫn tăng mạnh, nhiều mã tăng kịch biên độ, dư mua trần lớn, lệnh bán đều được hấp thụ sạch sẽ.

Đại gia thép hốt bạc, chứng khoán thoát hiểm - 2

Cổ phiếu ngành thép thăng hoa

Cụ thể, NKG tăng trần lên 17.650 đồng, dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị, TLH tăng trần lên 8.460 đồng, dư mua trần hơn 1,7 triệu đơn vị. POM, VIS, DNY tăng trần. BVG tăng 10,3%; TVN tăng 7,2%; VGS tăng 7,2%; SSM tăng 5,3%; SMC tăng 3,9%; HSG tăng 2,1% và "ông lớn" HPG cũng tăng 1%.

Khớp lệnh ở những mã này rất mạnh. Mới chỉ hết phiên sáng, HPG đã khớp gần 21 triệu cổ phiếu; HSG khớp 13,6 triệu cổ phiếu; NKG khớp 13,5 triệu cổ phiếu. Khối ngoại đang mua ròng tại NKG, POM, HPG và SMC.

Nhận định về ngành thép, chuyên gia phân tích tại VDSC đánh giá, đại dịch Covid-19 đã có nhiều tác động tích cực lên hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam hơn là các tác động tiêu cực.

Do sản lượng thép Việt Nam hầu như không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong khi nhiều quốc gia ghi nhận mức sụt giảm mạnh về sản lượng, các nhà sản xuất thép Việt Nam đã tận dụng được cơ hội để giành thêm thị phần tại nhiều thị trường, như Trung Quốc, Thái Lan và EU. Để thúc đẩy nền kinh tế sau khi dịch bùng phát, nhu cầu đối với thép xây dựng từ các dự án cơ sở hạ tầng đã mạnh hơn tại một số quốc gia.

Xuất khẩu thép từ Việt Nam sang Trung Quốc và Thái Lan đã tăng mạnh lần lượt 718% và 82% trong năm 2020, với các sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng và phôi thép.

Giới phân tích cũng kỳ vọng sản lượng xuất khẩu tôn mạ sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong 2021 do nhu cầu cao từ thị trường châu Âu (EU) và các khó khăn ngắn hạn trong xuất khẩu tại một số thị trường được tháo gỡ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm