Thêm mã "họ" FLC được giải cứu, cay đắng đua lệnh CII, QCG rồi bị "kẹp sàn"

Mai Chi

(Dân trí) - Hy vọng đã "lóe sáng" với cổ đông nhà FLC khi có hơn 42 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh, nhiều mã đã thoát sàn. Trong khi đó, nhiều người hiện đang "ngồi trên đống lửa" vì đua lệnh cổ phiếu "nóng".

Phiên đáo hạn phái sinh ngày 20/1, thị trường chứng khoán cơ sở không nằm ngoài dự đoán đã có những biến động mạnh.

VN-Index đi ngang trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch và chỉ thực sự bứt tốc trước ngưỡng 14h. Chỉ số đóng cửa tại 1.465,3 điểm, ghi nhận mức tăng mạnh 22,51 điểm tương ứng 1,56%. Tuy nhiên, VN30-Index chỉ tăng 10,26 điểm tương ứng 0,69% lên 1.492,81 điểm.

HNX-Index cũng hưởng ứng đà phục hồi, tăng 2,49 điểm tương ứng 0,61% lên 411,8 điểm và UPCoM-Index tăng 1,83 điểm tương ứng 1,7% lên 109,67 điểm.

Thêm mã họ FLC được giải cứu, cay đắng đua lệnh CII, QCG rồi bị kẹp sàn - 1

Tiền trở lại với cổ phiếu midcap, penny (Ảnh chụp màn hình).

"Đua lệnh" cổ phiếu bất động sản

Đáng chú ý trong phiên hôm nay đó là ngoài việc kéo trụ thì lực hồi của VN-Index còn nhận được sự đồng thuận của cổ phiếu dòng midcap, penny. VNSML-Index tăng 48,16 điểm tương ứng 2,54% còn VNMID-Index cũng tăng 54,16 điểm tương ứng 2,71%.

Có vẻ như hiệu ứng "fomo" (đua lệnh vì sợ mất cơ hội) đã quay trở lại với thị trường khi từ nửa cuối phiên sáng, dòng tiền bắt đáy xuất hiện tại cổ phiếu bất động sản và theo đó, một số mã được "giải cứu" thành công sau chuỗi "đo sàn" triền miên.

Chẳng hạn, cổ phiếu CEO chẳng những thoát sàn mà còn tăng trần, cuối phiên trắng bên bán, dư mua giá trần hơn 3,5 triệu đơn vị. Khớp lệnh tại CEO ở phiên này đạt 11,4 triệu cổ phiếu trong đó có gần 5,2 triệu cổ phiếu được khớp ở mức giá sàn.

Với biên độ dao động trong phiên của CEO trên sàn HNX, những nhà đầu tư bắt đáy đã lãi 19,6% ngay trong phiên, còn những nhà đầu tư "kẹp hàng" đã giảm lỗ tương ứng.

Thêm mã họ FLC được giải cứu, cay đắng đua lệnh CII, QCG rồi bị kẹp sàn - 2

Một lượng lớn phiếu CEO được bắt đáy giá sàn giúp nhà đầu tư lãi gần 20% trong phiên (Ảnh chụp màn hình).

HDC phiên hôm nay cũng đã hồi phục mạnh mẽ, từ mức giá thấp nhất phiên là 74.000 đồng, cuối phiên tăng trần lên 82.600 đồng/cổ phiếu. SCR trong phiên giảm về 17.900 đồng, cuối phiên cũng tăng trần lên 19.250 đồng/cổ phiếu.

NBB cũng là một mã có sự hồi phục ấn tượng khi thoát được mức sàn 36.150 đồng, có lúc tăng trần lên 41.550 đồng/cổ phiếu nhưng mã này không giữ được trạng thái tăng trần mà biên độ tăng cuối phiên thu hẹp còn 3%, đóng cửa tại 40.000 đồng. Dù vậy, đây cũng là tín hiệu khả quan với cổ đông công ty này.

Bắt đáy hay "bắt dao rơi"?

Gay cấn nhất phải là pha "giải cứu" cổ phiếu CII. Tổng cộng đã có 26,3 triệu cổ phiếu CII được hấp thụ hết ở mức sàn. Mã này trong phiên hồi phục, có lúc đã đạt được trạng thái tăng giá với hàng trăm nghìn cổ phiếu được khớp lệnh ở mức giá cao.

Thêm mã họ FLC được giải cứu, cay đắng đua lệnh CII, QCG rồi bị kẹp sàn - 3

Khớp lệnh tại cổ phiếu CII (Ảnh chụp màn hình).

Mức giá cao nhất phiên 38.850 đồng/cổ phiếu và được khớp tới 183.600 đơn vị; tại vùng giá 38.000 đồng có 419.400 cổ phiếu được khớp; vùng giá 36.950 đồng có 569.300 cổ phiếu được khớp.

Vậy nhưng những nhà đầu tư tham gia công cuộc "giải cứu" CII và "đua lệnh" cổ phiếu này phiên hôm nay đã phải "đứng ngồi trên đống lửa" khi cuối phiên CII "quay xe" đóng cửa tại mức giá sàn, trắng bên mua.

Anh Nguyễn Hùng - một nhà đầu tư tại TPHCM - chia sẻ với người viết: "Tôi quyết định thoát khỏi cổ phiếu này, chấp nhận cắt lỗ 20% dù có lúc đã lãi tới 50%".

Trong khi đó, chị Phan Thị Minh, một nhà đầu tư khác, cho hay, chị mua CII hôm nay ở mức giá sát mốc 35.000 đồng do lực mua bắt đáy đã giúp nhiều mã thoát sàn nhanh chóng và có nhiều mã tăng giá mạnh, tăng trần. "Ngay trong phiên hôm nay thì tôi đã thua lỗ rồi. Bây giờ, tôi phải chờ T+3 mới có thể biết là mình đang bắt đáy hay bắt dao rơi, cảm giác bất an như thế này quả thực không hề dễ chịu", chị Minh trải lòng.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại cổ phiếu QCG khi mã này có lúc thoát sàn và đạt được trạng thái tăng lên 15.800 đồng, cuối phiên trở lại tình trạng giảm sàn về 14.050 đồng/cổ phiếu.

Thêm mã họ FLC được giải cứu, cay đắng đua lệnh CII, QCG rồi bị kẹp sàn - 4

Nhiều mã cổ phiếu tại "họ" FLC đã thoát được sắc xanh xám giảm sàn đầy ám ảnh (Ảnh chụp màn hình).

Tại "họ" FLC, cổ phiếu FLC đã được hấp thụ 42,17 triệu cổ phiếu ở mức giá sàn và có thời điểm thoát sàn, được khớp 664.200 cổ phiếu ở mức giá 12.150 đồng; 62.400 cổ phiếu ở mức giá 12.200 đồng. Dù vậy, cuối phiên, mã này vẫn đóng cửa tại mức giá sàn 12.100 đồng, dư bán sàn gần 20 triệu đơn vị. ROS là mã tiếp tục "khóa sàn", dư bán sàn 53,11 triệu cổ phiếu và chỉ được khớp 3,3 triệu cổ phiếu.

Điểm sáng ở "họ" FLC là KLF và ART tiếp tục tăng lần lượt 3,4% và 2%; HAI thoát sàn, khớp lệnh 20,9 triệu cổ phiếu, chỉ còn giảm 1,7%; AMD thoát sàn, khớp lệnh 26,9 triệu cổ phiếu, giảm 3,5%.

Nhiều cổ phiếu tăng mạnh "đón sóng" báo cáo kết quả kinh doanh

Thông thường, ở phiên đáo hạn phái sinh, cổ phiếu VN30 sẽ quyết định xu hướng thị trường, tuy nhiên, mức tăng của VN30-Index hôm nay lại lép vế so với VN-Index. Rổ VN30 vẫn có 6 mã giảm giá.

Mã có ảnh hưởng nhất đến thị trường là BID. BID phiên này tăng trần lên 46.700 đồng, cuối phiên dư mua giá trần. SHB cũng hồi phục ấn tượng, tăng 5,9%; CTG tăng 3,8%; STB tăng 2,7%.

Dòng cổ phiếu chứng khoán cũng đua nhau tăng giá, nhiều mã đã "đòi" lại được phần lớn thiệt hại sau thời gian "vạ lây" vừa qua. Hôm nay nhiều công ty chứng khoán đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2021 với kết quả kinh doanh khả quan, theo đó, tăng trần và tăng giá mạnh mẽ.

Có thể kể đến APS với mức tăng trần 10% lên 28.700 đồng; IVS tăng 9,1%; ORS tăng trần; PSI tăng 6,2%; CSI tăng 6%; TVB tăng 6%; APG tăng 4%. FTS, VCI, BSI, CTS, AGR, VND, SSI, HCM… tiếp tục tăng giá.

Dòng phân bón cũng có diễn biến tương đối tích cực khi PMB, PSW tăng trần, VAF tăng 6,4%; PSE tăng 5,2%; LAS tăng 3,3%... nhưng các mã này có thanh khoản rất khiêm tốn.

Cổ phiếu các doanh nghiệp sản xuất như CMX, IDI, BHN, AGM, ASM tăng trần; GTN tăng 4,2%; LSS tăng 3,2%; ANV tăng 3,1%; PAN tăng 2,8%; DBC tăng 2,8%.

Điểm tích cực là ở phiên tăng giá hôm nay, tiền vào thị trường khá tốt dù chưa thể đạt được mức cao như trước đây, song cải thiện mạnh so với phiên hôm qua. Giá trị giao dịch trên HSX đạt 22.433,94 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt 785,76 triệu đơn vị. HNX có 78,5 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.148,27 tỷ đồng; UPCoM có 55,83 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 981,84 tỷ đồng.