1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thêm hàng loạt mặt hàng của Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá

(Dân trí) - Việt Nam đang đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá thứ 3 từ thị trường Úc đối với mặt hàng vôi sống. Trước đó vài ngày, Ấn Độ cũng khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sản phẩm gạch ốp lát nhập khẩu từ Việt Nam.

Việt Nam đang đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá thứ 3 từ thị trường Úc đối với mặt hàng vôi sống.
Việt Nam đang đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá thứ 3 từ thị trường Úc đối với mặt hàng vôi sống.

Dù nằm trong số các nước rất ít áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhưng ngược lại, hàng Việt Nam ở nước ngoài lại liên tiếp bị kiện chống bán phá giá. Theo thống kê của VCCI, hiện có tới gần 100 vụ kiện chống bán phá giá, kiện chống trợ cấp, kiện tự vệ đối với hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường nước ngoài, trong đó có khoảng gần 50 vụ Việt Nam thua kiện và chịu áp đặt của nước nhập khẩu.

Trong khi đó, tại Việt Nam, mặc dù có nhiều vụ làm giả hàng hóa, bán phá giá hàng nước ngoài tại Việt Nam nhưng chỉ có 4 vụ kiện và số vụ thành công là 2.

Mới đây nhất, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết đã nhận được thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Úc về việc Uỷ ban chống bán phá giá Úc (ADC) đã ra thông báo số 2016/40 quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá (AD) sản phẩm vôi sống nhập khẩu từ Việt Nam, Malaysia và Thái Lan.

Đây là vụ kiện chống bán phá giá thứ 3 từ thị trường này nhằm vào mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, sản phẩm bị điều tra trước đây là máy biến thế (2013) và thép mạ kẽm (2014).

Nguyên đơn cáo buộc biên độ phá giá đối với Việt Nam từ 64,4% - 86,1%, ADC cáo buộc 18% (đứng thứ 2 trong số 3 nước bị điều tra). Đồng thời, cáo buộc rằng loại hàng hóa này được xuất khẩu sang Úc với giá thấp hơn giá trị thông thường và việc bán phá giá đã gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành công nghiệp của Úc qua việc kìm giá, ép giá, suy giảm lợi nhuận, sụt giảm khối lượng bán hàng, suy giảm thị phần, suy giảm số lượng việc làm và làm giảm công suất sử dụng.

Theo số liệu trong đơn kiện về nhập khẩu mặt hàng này của Úc thì riêng trong năm 2014 và 2015, tổng khối lượng nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 39.214 tấn, chiếm khoảng 33,9% thị phần nhập khẩu vào Úc.

Trước đó, ngày 26/4/2016, Cục Quản lý cạnh tranh nhận được thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Argentina về việc Cục Ngoại thương - Bộ Sản xuất Argentina đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm (tấm) gạch ốp lát nhập khẩu từ một số nước trong đó có Việt Nam.

Cùng ngày 26/4, Tổng vụ Chống bán phá giá, chống trợ cấp Ấn Độ (DGAD) đã ra báo cáo điều tra bản không mật trước khi ra kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ tấm nhập khẩu từ Indonesia và Việt Nam.

Trong bản thông báo này, DGAD cho biết 2 doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu Indonesia và 3 doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu Việt Nam đã tham gia nộp trả lời bản câu hỏi, hợp tác đầy đủ. Biên độ phá giá được tính cho các doanh nghiệp này lần lượt như sau: Indonesia: Biên độ phá giá 5-35%, biên độ thiệt hại 15-30%; Việt Nam: biên độ phá giá 0-15%, biên độ thiệt hại 10-40%.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp khác không nộp bản trả lời câu hỏi, DGAD sẽ tính biên độ phá giá dựa trên những thông tin bất lợi có sẵn (Facts Available Basis), cụ thể như sau: Indonesia: Biên độ phá giá 55-65%, biên độ thiệt hại 20-30%; Việt Nam: biên độ phá giá 30-40%, biên độ thiệt hại 35-45%.

Đồng thời, DGAD cho rằng, sản phẩm bị điều tra xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ thấp hơn giá trị thông thường khiến ngành công nghiệp nội địa đã phải chịu thiệt hại đáng kể và thiệt hại đáng kể này bị gây ra bởi sản phẩm nhập khẩu bán phá giá từ các nước bị điều tra nói trên.

Phương Dung

Thêm hàng loạt mặt hàng của Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá - 2