EU thừa nhận “điều tra không phù hợp” khi áp thuế chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam

(Dân trí) - Bộ Công Thương cho biết, ngày 4/2/2016, Toà án Tư pháp thuộc Liên minh Châu Âu (CJEU) đã ra thông báo quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam bị vô hiệu một phần.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Trước đó, vào ngày 5/10/2006, Uỷ ban Châu Âu (EC) ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam. Mức thuế áp dụng đối với Trung Quốc là 16,5%, Việt Nam là 10%.

Năm 2010 và 2012, nhà nhập khẩu giày Clark của Anh Quốc và nhà nhập khẩu Puma của Cộng hòa liên bang (CHLB) Đức đã yêu cầu cơ quan hải quan của hai nước này hoàn lại tiền thuế chống bán phá trị giá đã áp dụng với sản phẩm này với lý do lệnh áp thuế chống bán phá giá không hợp lệ.

Tuy nhiên, yêu cầu này sau đó đã bị từ chối. Do đó, hai công ty Clark quyết định tiếp tục đưa vụ việc lên Toà án về Thuế của Anh Quốc và Toà Tài chính Munich của CHLB Đức. Toà án của hai nước nói trên đã đề nghị Toà án Tư Pháp thuộc Liên minh Châu Âu tiến hành đánh giá tính hợp lệ của lệnh áp thuế.

Theo đó, ngày 4/2/2016, CJEU đã ban hành phán quyết cho rằng việc quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam bị vô hiệu một phần do Uỷ ban Châu Âu đã tiến hành điều tra không phù hợp với quy định liên quan đến đối xử như nền kinh tế thị trường và đối xử riêng rẽ đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Trên thực tế, quyết định áp dụng các biện pháp chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam đã được chấm dứt từ ngày 1/4/2011. Theo các số liệu công bố tại thời điểm đó, quyết định áp thuế chống bán phá giá trong hơn 4 năm đã khiến cho thị phần xuất khẩu da giày Việt Nam vào thị trường châu Âu bị sụt giảm từ 15% (năm 2005) xuống còn 10% (năm 2009).

Phương Dung

EU thừa nhận “điều tra không phù hợp” khi áp thuế chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam - 2