Thêm 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank: Đề nghị làm rõ tính khả thi

Trần Kháng

(Dân trí) - Về đề xuất bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 17.100 tỷ đồng, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ tính khả thi của đề xuất.

Trình bày tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết, quy mô vốn điều lệ của Agribank đến thời điểm hết năm 2022 ở mức thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và không có sự cách biệt, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác.

Cụ thể, quy mô vốn điều lệ của Agribank tính đến thời điểm 31/12/2022 là 34.446 tỷ đồng, ở mức thấp nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước (Vietcombank 53.732 tỷ đồng; VietinBank 48.057 tỷ đồng; BIDV 50.585 tỷ đồng) và nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác như Techcombank, MB, VPBank.

Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 17.100 tỷ đồng. Chính phủ cũng đề xuất nguồn bổ sung vốn điều lệ của Agribank từ dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 70/2022/QH15 trong đó đã bổ sung 6.753 tỷ đồng, phần còn lại là 10.347 tỷ đồng được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.

Việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giúp tăng quy mô vốn, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt ở mức tối thiểu 8% theo đúng quy định; đồng thời tạo điều kiện cho Agribank nâng cao năng lực tài chính, mở rộng kinh doanh, gia tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…

Thêm 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank: Đề nghị làm rõ tính khả thi - 1

Chính phủ đề xuất điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Agribank (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

 

Phát biểu tại phiên họp, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank - cho biết, ngân hàng đang rất khát vốn. Vốn ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và không có sự cách biệt, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác.

Ông Ấn đề nghị tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo tăng trưởng để đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất của Chính phủ, cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 17.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, đơn vị này đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ tính khả thi của đề xuất trong bối cảnh nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thu Ngân sách Nhà nước, doanh thu và lợi nhuận của Agribank có thể không đạt được như kỳ vọng.

Các nội dung như: xác định nguồn cụ thể bố trí còn lại của Ngân sách Nhà nước (10.347 tỷ đồng); bố trí phương án xử lý trong trường hợp số nộp ngân sách của Agribank trong năm 2023 không đạt như dự kiến; khả năng phát hành thành công trái phiếu được Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu và quy mô bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, cũng như khả năng đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn sau khi Quốc hội quyết định chủ trương.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2023 nội dung trình Quốc hội quyết định chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank, tuy nhiên, Chính phủ cần tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rút kinh nghiệm trong việc chậm triển khai công việc này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo thuyết minh kỹ càng, thuyết phục hơn, đánh giá kỹ tác động đến cân đối ngân sách, cân đối nguồn thu, tháo gỡ các vướng mắc để tái cơ cấu, cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng Agribank.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan nghiên cứu để đưa nội dung này vào kỳ họp, đưa nội dung vào Nghị quyết kỳ họp, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, Ủy ban Kinh tế tiến hành thẩm tra để trình Quốc hội nội dung này tại kỳ họp tới.