Một doanh nghiệp dầu khí gửi 10.000 tỷ đồng trong ngân hàng lấy lãi

Mai Chi

(Dân trí) - Dù kết quả kinh doanh không mấy ấn tượng, lãi sau thuế quý I sụt giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng PTSC vẫn gây chú ý khi có tới hơn 10.000 tỷ đồng gửi ngân hàng.

Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC - mã chứng khoán: PVS) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý I/2023. Theo đó, PTSC vẫn cho thấy là một đại gia "lắm tiền nhiều của" trên góc độ hiện kim.

Cụ thể, tại ngày 31/3, lượng tiền và các khoản tương đương tiền của PTSC lên tới 5.271 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi ngân hàng (bao gồm cả ngoại tệ) có giá trị 3.654 tỷ đồng. Các khoản tương đương tiền (được doanh nghiệp giải thích là các khoản tiền gửi bằng VND có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng tại các ngân hàng thương mại với lãi suất bình quân từ 3,1% đến 6,3%/năm) là 1.607 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công ty còn ghi nhận 4.925 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn dưới hình thức đầu tư tài chính ngắn hạn (đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn). Những khoản tiền gửi này có kỳ hạn còn lại không quá 12 tháng tại ngân hàng thương mại với lãi suất là 4,1% đến 10,3%/năm.

Như vậy, số tiền mà PTSC đang gửi ở ngân hàng tổng cộng lên tới 10.196 tỷ đồng. Con số này chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị tài sản ngắn hạn thời điểm cuối tháng 3 là 16.258 tỷ đồng (không thay đổi nhiều so với đầu năm); còn tổng tài sản là 25.635 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp dầu khí gửi 10.000 tỷ đồng trong ngân hàng lấy lãi - 1

Diễn biến của cổ phiếu PVS trong vòng 1 năm qua (Nguồn: Tradingview).

Tổng nợ phải trả giảm nhẹ sau 3 tháng, ở mức 12.494 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn là 8.568 tỷ đồng.

Quý I năm nay, doanh thu thuần đạt 3.704 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu dịch vụ tàu kỹ thuật dầu khí đạt 336 tỷ đồng; dịch vụ cơ khí, đóng mới và xây lắp đạt 2.131 tỷ đồng; dịch vụ cung ứng kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô (FSO, FPSO) đạt 448 tỷ đồng, còn lại đến từ các dịch vụ khác.

Giá vốn cũng giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao là 3.500 tỷ đồng, theo đó, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 204 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ từ 5,1% lên 5,5%.

Hoạt động tài chính mang về 147 tỷ đồng, tăng gần 71% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, chi phí tài chính của PTSC cũng tăng 2,4 lần lên 51 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay chiếm gần 40% với xấp xỉ 20 tỷ đồng. Lãi trong công ty liên doanh, liên kết đạt hơn 157 tỷ đồng, giảm khoảng 3% so với cùng kỳ.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 30% và 13% lên gần 20 tỷ đồng và 170 tỷ đồng.

Kết quả, PTSC ghi nhận lãi trước thuế 267 tỷ đồng và lãi sau thuế 228 tỷ đồng trong quý I, lần lượt giảm 14,3% và 9,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo giải trình của công ty, lợi nhuận quý I giảm do thu nhập khác giảm so với quý I/2022 do trong quý I/2022 có phát sinh thu nhập từ thanh lý tài sản cố định.

Kết thúc phiên 11/5, cổ phiếu PVS tăng 0,38% lên 26.100 đồng/cổ phiếu, tăng gần 10% so với 3 tháng trước và hồi phục 45% so với mức đáy thiết lập hồi trung tuần tháng 11 năm ngoái. Đồng thời, thị giá PVS vẫn đang cao hơn xấp xỉ 8% so với thời điểm cách đây 1 năm.