“Thêm 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế, nợ quốc gia vẫn an toàn”

(Dân trí) - “Ngày 29/1 vừa qua, 1 tỷ USD phát hành trái phiếu quốc tế đã về tài khoản của Việt Nam và nợ quốc gia vẫn ở ngưỡng an toàn, chỉ trên 30%”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết.

“Thêm 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế, nợ quốc gia vẫn an toàn” - 1
(ảnh minh họa).
 
Sáng 1/2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã chủ trì cuộc họp báo về kết quả đợt phát hành trái phiếu quốc tế lần 2, trị giá 1 tỷ USD.
 
Thứ trưởng Hà cho biết: Trong tổng trái phiếu phát hành có 56% nhà đầu tư Mỹ, 28% từ Châu Á và 16% từ Châu Âu. Về cơ cấu nhà đầu tư, các quỹ đầu tư và công ty quản lý tài sản mua 73%, quỹ bảo hiểm và hưu trí mua 10%, ngân hàng 7%.
 
Trái phiếu được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore và đáo hạn vào ngày 29/1/2020. Vào ngày 29/1 vừa qua, 1 tỷ USD phát hành trái phiếu quốc tế đã về tài khoản của Việt Nam.
 
Thưa Thứ trưởng, chúng ta vừa phát hành thành công 1 tỷ USD bằng trái phiếu quốc tế, một số lo ngại cho rằng, nợ quốc gia sẽ gia tăng, ông nói gì về điều này?
 
Việc phát hành thành công 1 tỷ USD bằng trái phiếu quốc tế đúng là tăng thêm dư nợ 1 tỷ USD nhưng gộp chung các khoản cũ lại, nợ nước ngoài của chúng ta chỉ đạt trên mức 30% GDP.
 
Trong khung chính sách nợ của Việt Nam phải dưới 50% GDP cho giai đoạn 2001 - 2010. Vì vậy, năm 2010 thông qua tất cả các kênh huy động vốn khác thì nợ quốc gia vẫn an toàn.
 
Một tỷ USD vốn huy động được dùng để thực hiện chi tiêu Chính phủ nói chung, kể cả cho vay lại với các dự án đầu tư. Theo đó, nguồn vốn này tập trung dành cho Dung Quất vay lại và phần còn lại, Bộ Tài chính thực hiện trình Thủ tướng quyết định xem xét phân bổ dự án đầu tư.
 
Nói đến việc sử dụng đồng vốn phát hành trái phiếu quốc tế, vừa qua, chúng ta cũng đã huy động 750 triệu USD và số tiền này được chuyển cho Vinashin. Sau 5 năm, nguồn vốn đó được doanh nghiệp này triển khai như thế nào?
 
Đó là chương trình Chính phủ dành cho ngành đóng tàu và giao cho Vinashin thực hiện. Hiện tại, doanh nghiệp này đã thực hiện đúng nhiệm vụ thanh toán, trả nợ đối với nhà đầu tư quốc tế.
 
Bộ Tài chính chưa phải ứng ra một đồng nào giúp doanh nghiệp này cả và theo kiểm tra của chúng tôi, khoản lãi gần đây nhất Vinashin đã thực hiện đầy đủ.
 
Vinashin được Chính phủ giao sử dụng đồng vốn phát hành trái phiếu quốc tế lần 1 bởi ngành đóng tàu tạo giá trị xuất khẩu khá cao. Rủi ro ở đây là do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm một số nhà đầu tư bỏ hợp đồng.
 
Hiện tại, Chính phủ cơ cấu lại Vinashin, khoanh lại một số dự án đầu tư và thoái vốn ở một số doanh nghiệp con không phải ngành nghề đầu tư chính.
 
Quay trở lại 1 tỷ USD phát hành trái phiếu quốc tế vừa qua, một số tổ chức tài chính đã có xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam khá khác biệt. Ông có thể lý giải điều này?
 
Lợi tức của trái phiếu được căn cứ dựa vào 3 tiêu chí: xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, tình hình giao dịch của trái phiếu Việt Nam đáo hạn vào năm 2016 (VN2016) và tình hình thị trường vốn quốc tế tại thời điểm phát hành.
 
Moody’s xếp định mức tín nhiệm Việt Nam là Ba3, còn Standard & Poor’s (S&P) xếp ở mức BB. Với mức xếp hạng tín nhiệm này, chênh lệch giữa lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Việt Nam so với trái phiếu kho bạc Mỹ 10 năm là từ 3,78 - 3,85%.
 
Việt Nam hơn Philippines, Indonesia một bậc theo xếp hạng của S & P, nhưng lại thua Indonesia một bậc theo xếp hạng của Moody’s và hai bậc theo xếp hạng của Fitch. Bên cạnh đó, xếp hạng của Việt Nam lại thua Philippines về triển vọng theo đánh giá của Moody’s và một bậc theo xếp hạng của Fitch.
 
Đối với hệ số tín nhiệm do S&P xếp hạng, tuy Việt Nam hơn 1 bậc nhưng về triển vọng (outlook) lại yếu hơn khi bị xếp ở mức “tiêu cực - negative”. Triển vọng “tiêu cực” nói lên xu hướng của xếp hạng tín nhiệm trong 6 - 9 tháng tới hoặc là về “ổn định”, hoặc là bị xuống hạng.
 
Do đó nhìn chung thì xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam theo đánh giá của S&P đang trên 1 mức tuy nhiên lại không được đánh giá cao bằng Indonesia và Philippines.
 
Xét về yếu tố thanh khoản, do số lượng trái phiếu lưu hành (trước đó Việt Nam có 750 triệu USD TP VN2016) thì trái phiếu của Việt Nam thấp hơn nhiều so với trái phiếu của Philippines.
 
Giao dịch trái phiếu VN2016 (đáo hạn năm 2016), trong thời gian qua, trái phiếu này được giao dịch với lợi tức trong khoảng từ 6,17 - 6,27%; trong khi Philippines, Indonesia cũng đáo hạn vào 2016, lợi tức thấp hơn (từ 4,84% đến 5,14%).
 
Về thị trường, ngày 20/1, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, sau đó là Nhật, đã tuyên bố các biện pháp thắt chặt tiền tệ. Điều này làm cho tính thanh khoản của các ngân hàng yếu đi. Cũng trong ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố tăng cường biện pháp quản trị các ngân hàng.
 
Các thông tin này làm cho tình hình thị trường chứng khoán quốc tế yếu đi, nhu cầu đầu tư chứng khoán kém hơn rất nhiều so với nửa đầu từ tháng 1/2010. Cụ thể là chỉ số công nghiệp Dowjones ngày 21/1/2009 giảm 2,4% và tiếp tục giảm 0,9% vào ngày 25/01/2010.
 
Tình hình trên cũng đã ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư trái phiếu của Việt Nam. Lượng đăng ký của các nhà đầu tư thấp, đến ngày 21/1/2010 tổng lượng đăng ký khoảng 2 tỷ USD và khi giao dịch chính thức có 2,4 tỷ USD đặt mua.
 
Trong khi đó, các đợt phát hành của Indonesia và Philippin vào nửa đầu tháng 1/2010 lượng đặt mua gấp 5 - 6 lần khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành.
 
Thưa ông, sau đợt phát hành trái phiếu này, chúng ta có tiếp tục huy động vốn thông qua loại hình này nữa không?
 
Chúng ta sẽ vẫn sẽ huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ. Về lâu dài, theo quan điểm Bộ Tài Chính, không nên phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước. Bởi nó sẽ là biểu hiện của vấn đề đô la hóa, huy động vốn từ thị trường trong nước phải bằng đồng nội tệ.
 
Huy động vốn trong nước chủ yếu qua trái phiếu chính phủ trong nước và nước ngoài qua nguồn ODA. Năm 2009, cam kết ODA cho Việt Nam đạt mức kỷ lục là trên 8 tỷ USD. Tuy nhiên, khi nước ta trở thành một nước thu nhập trung bình, trên trung bình thì nguồn ODA dành cho chúng ta sẽ thấp đi.
 
Năm 2009, Việt Nam đã phát hành trái phiếu ở trong nước có mệnh giá bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, có những đợt không lấy hết được so với nhu cầu vốn gọi ra, điều này chứng tỏ nguồn vốn dài hạn bằng ngoại tệ của các định chế tài chính trong nước là không có, chủ yếu là vốn tiền gửi của doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nguồn vốn nhàn rỗi.
 
Chúng tôi đã thử nghiệm huy động vốn bằng ngoại tệ trong nước và thấy rằng khả năng cung ứng vốn như thế thì chúng ta không có khả năng phát hành thêm được và cũng không có khả năng phát hành dài được…
 
- Xin cám ơn Thứ trưởng!
 
An Hạ