Thay thế người đứng đầu địa phương nếu bao che, dung túng cho buôn lậu

(Dân trí) - "Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cán bộ tiếp tay, bảo kê cho buôn lậu, đầu nậu... Điều chuyển hoặc thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu"

Đây là chỉ đạo của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết hoạt động của cơ quan này năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017, vừa diễn ra tại Hà Nội sáng nay (9/3).

Cụ thể, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, năm 2016, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hàng nhái trên thị trường có những diễn biến khá phức tạp. Nhiều vụ buôn lậu xăng dầu, than đá, thiết bị điện tử, ma tuý, tiền giả, hàng gian, hàng giả trong nước, nhập lậu, đến các loại động thực vật quý hiếm vào nước ta đã bị phát hiện, triệt phá. Tuy nhiên, số vụ việc ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp, khó lường. Ngày càng nhiều vụ việc bị phát hiện ở các đô thị lớn, cửa khẩu hàng không, cảng biển và tuyến biên giới trọng điểm, nơi có nhiều lực lượng liên ngành quản lý.

Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia họp bàn phương hướng năm 2017, với quyết tâm trừng trị băng nhóm xã hội đen và cán bộ biến chất đứng đằng sau buôn lậu, gian lận thương mại.
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia họp bàn phương hướng năm 2017, với quyết tâm trừng trị băng nhóm xã hội đen và cán bộ biến chất đứng đằng sau buôn lậu, gian lận thương mại.

Về kết quả, theo báo cáo nhanh của 389 Quốc gia, năm 2016 cả nước phát hiện, xử lý 223.262 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái. Xử phạt số tiền hơn 21.500 tỷ đồng (tăng hơn 59% so với năm 2015), khởi tố hình sự hơn 1.500 vụ với 1.800 đối tượng.

Tuy nhiên, đánh giá chung, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia khẳng định, công tác bắt giữ, xử lý vi phạm trong năm 2016 chưa cao do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quản lý và xử lý vi phạm trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa đồng bộ, thống nhất, việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung còn chậm.

Số vụ việc khởi tố về tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và sản xuất, kinh doanh hàng giả chiếm tỷ lệ nhỏ so với kết quả công tác đấu tranh của lực lượng chức năng dẫn đến chưa tạo được hiệu quả răn đe, phòng, chống đối với tội phạm trong lĩnh vực này.

Việc xác định, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chức năng nơi để xảy ra vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại chưa được thực hiện triệt để theo tinh thần của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra.

Việc trao đổi thông tin, hiệp đồng đấu tranh giữa các địa phương, lực lượng chức năng các Bộ, ngành ở một số đơn vị còn hạn chế, hình thức. Đặc biệt, đến hết tháng 12/2016, còn 02/63 địa phương chưa có báo cáo xây dựng, triển khai đường dây nóng (gồm: Hải Dương, Điện Biên); Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hải Dương mặc dù được nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn thường xuyên không chấp hành thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định về Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.

Tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhắc nhở các lực lượng cần phát huy tính chủ động trong phối hợp, có cơ chế trao đổi thông tin kịp thời khi phát hiện các vụ việc để xử lý tận gốc, không bỏ sót tội phạm, xử lý đúng người, đúng pháp luật những đối tượng vi phạm để tạo tính răn đe, ngăn ngừa.

Bên cạnh nhiệm vụ phòng chống, xử lý vụ việc buôn lậu, hàng gian, hàng giả, Phó Thủ tướng chỉ đạo: "Trong năm 2017, các lực lượng chức năng, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương cần tăng cường phối hợp và đề ra được giải pháp đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm buôn lậu và các đối tượng cầm đầu. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cán bộ tiếp tay, bảo kê cho buôn lậu, đầu nậu".

"Phải thẳng tay trừng trị các băng nhóm xã hội đen đứng sau các ổ nhóm buôn lậu để bảo vệ sản xuất trong nước, chống thất thu ngân sách, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, không để thực phẩm bẩn, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, đưa chất cấm vào chăn nuôi...", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Ban Chỉ đạo 389 nêu rõ thực tế là những vi phạm thời gian qua mà lực lượng chức năng phát hiện được thì không bắt, không xử lý được đối tượng chủ mưu, cầm đầu mặc dù có nhiều vụ rất lớn. "Do đó, cần có giải pháp về trinh sát, làm rõ đối tượng cầm đầu, tập trung thông tin phục vụ đấu tranh làm rõ các đối tượng cầm đầu đường dây, ổ nhóm buôn lậu”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng yêu cầu, trong năm 2017, cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Điều chuyển hoặc thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu. “Không thể nói đoàn xe của buôn lậu chở hàng chạy qua địa bàn mà lực lượng chức năng không ngăn chặn được”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Nguyễn Tuyền