Thấy gì qua cuộc đua tăng lãi suất?

Nhận định của ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) xung quanh động thái đồng loạt tăng lãi suất gần đây của các ngân hàng thương mại.

Thưa ông, việc các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất huy động có phải là hiện tượng bất thường? Đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?

 

Tăng lãi suất huy động bao giờ cũng là một lựa chọn khó khăn của các ngân hàng thương mại. Bởi vì lãi suất cho vay của những hợp đồng tín dụng “cũ”, thậm chí cả hợp đồng “mới” không dễ gì tăng lên tương ứng. Kết quả là thu nhập ròng từ lãi suất sẽ giảm.

 

Nhìn dưới bất kỳ phương diện nào thì việc tăng lãi suất để huy động đều xuất phát từ nhu cầu vốn. Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, tình trạng “không đủ” vốn là có thể hiểu được. Khách hàng của họ cả phía tiền gửi và cho vay đều là khách hàng nhỏ, hoặc cá nhân, số dư tiền gửi thanh toán (thường có lãi suất thấp hơn) không nhiều.

 

Đây cũng là lý do khiến cho lãi suất bình quân vốn huy động (đầu vào) của các ngân hàng thương mại cổ phần thường khá cao (vì chủ yếu từ tài khoản tiết kiệm).

 

Nói cách khác các ngân hàng thương mại cổ phần trong điều kiện cạnh tranh (chưa thật công bằng), hiện nay cần có tỷ trọng hoạt động tín dụng hợp lý và tăng tỷ trọng hoạt động dịch vụ (giảm bớt tình trạng đối đầu với các đối thủ lớn).

 

Ngoài ra, cùng có một số lý do khác như sợ khách hàng chuyển từ tiết kiệm nội tệ sang ngoại tệ (lãi suất đã khá cao), có nhu cầu kinh doanh trên thị trường tiền tệ ngắn hạn, có nhu cầu vay mua cổ phiếu.

 

Có sự khan hiếm vốn trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp này thường sẵn sàng chấp nhận lãi suất cao hơn, nhưng thủ tục và điều kiện vay nhẹ nhàng hơn.

 

Lãi suất tăng nhưng có cao không? Tỷ lệ lạm phát đã tính sẽ khoảng 7,5%/năm. Nếu lãi suất huy động ở mức 9,25-9,5%/năm thì lãi suất thực vẫn khá thấp, nhất là với một đồng tiền có chất lượng còn yếu như VND .

 

Như vậy, việc tăng lãi suất vừa qua có những lý do vĩ mô và vi mô. Vấn đề không phải là các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất, mà là hệ quả của một chính sách kinh tế vĩ mô “chấp nhận lạm phát cao để tăng trưởng”.

 

Cuộc đua lãi suất này có phải là do thị trường tiền tệ liên ngân hàng hoạt động còn yếu?

 

Cái gọi là “cuộc chạy đua lãi suất” được đề cập chẳng mấy liên quan đến thị trường tiền tệ liên ngân hàng, bởi vì thị trường này chỉ đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn, rất ngắn hạn, để đảm bảo thanh khoản ngay cả trong điều kiện lãi suất thấp.

 

Lãi suất cao là vấn đề của lạm phát cao, là quan hệ cung cầu tín dụng trên thị trường. Nếu vốn tập trung nhiều cho các dự án lớn của Nhà nước, cho trái phiếu chính phủ, trái phiếu của các tổng công ty, thì phần còn lại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ hạn chế và nơi này phải vay với lãi suất cao hơn là chuyện đương nhiên.

 

Thị trường tiền tệ liên ngân hàng là nơi mà Ngân hàng Nhà nước bằng nghiệp vụ ngân hàng Trung ương thông qua hệ thống lãi suất của mình (Interesrat Targeting) điều tiết lãi suất thị trường và kiểm soát lạm phát. Muốn vậy lãi suất thị trường liên ngân hàng phải “xoay quanh” lãi suất nghiệp vụ thị trường mở (OMO).

 

Ở Việt Nam hai loại lãi suất này không “ăn nhập” với nhau. Lý do thì có nhiều, nhưng chừng đó cũng chứng tỏ, vấn đề không phải ở kỹ thuật điều tiết, không phải ở phương tiện mà là ý tưởng chính sách.

 

Theo ông, cuộc đua này sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động của các ngân hàng, ảnh hưởng tới các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và đầu tư?

 

Lãi suất tăng báo hiệu một chu kỳ sút giảm lợi tức của ngành ngân hàng, do GAP (chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay) sẽ bị thu hẹp lại. Lãi suất tăng cũng làm giảm đầu tư của doanh nghiệp, do chi phí lãi suất tăng lên và lợi nhuận giảm xuống.

 

Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng GDP. Đó cũng là cái giá phải trả cho ý tưởng dùng lạm phát để kích thích tăng trưởng điều này chỉ có thể đạt được trong ngắn hạn mà thôi.

 

Vào thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước cần phải có động thái hoặc biện pháp gì để điều tiết thị trường này thưa ông?

 

Nhiệm vụ chủ chốt của Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát lạm phát, ổn định giá. Đó là cách để duy trì tăng trưởng bền vững.

 

Tuy nhiên, nếu Ngân hàng Nhà nước hành động theo hướng này thì trong ngắn hạn lãi suất có thể tăng lên (do thắt chặt tiền tệ) nhưng lạm phát sẽ giảm và về lâu dài lãi suất sẽ giảm ở mức hợp lý.

 

Tuy nhiên cũng còn nhiều vấn đề khác có liên quan đến việc thu hút vốn từ thị trường cho các dự án đầu tư của Chính phủ, cho ngân sách cần được cân đối tổng thể với phương châm coi trọng ổn định kinh tế vĩ mô dài hạn.

 

Ngoài ra, để lãi suất huy động giảm xuống cần mở rộng tài khoản thanh toán của doanh nghiệp và dân cư.

 

Nói cách khác, cần giảm mạnh chi tiêu và cất trữ tiền mặt trong toàn bộ nền kinh tế. Ở Mỹ lãi suất tiền gửi tiết kiệm khoảng 6%, nhưng lãi suất tiền gửi thanh toán (chi tiêu) chỉ 0 hoặc 1%, do đó lãi suất huy động đầu vào của các ngân hàng thương mại chỉ 2,5 đến 3%. Nhờ đó mà các ngân hàng thương mại chỉ cho vay ngắn hạn 5% và dài hạn khoảng 6,5% (tới 30 năm).

 

Ở Việt Nam, mặc dù tỷ lệ tiền mặt trên tổng tiền gửi dự kiến đến tháng 6/2006 chỉ 21%, nhưng số lượng tài khoản chỉ khoảng 15 triệu và chủ yếu là tài khoản tiền gửi.

 

Số tài khoản thanh toán của dân cư rất ít và vì vậy số dư tiền gửi thanh toán không đáng kể, không giúp giảm chi phí và hiệu quả huy động và sử dụng vốn.

 

Xin cám ơn ông!

 

Theo Thế Hào

VnEconomy