Thanh toán cho dự án BT: Vì sao Bộ Tài chính gần 2 năm vẫn loay hoay?
(Dân trí) - Bộ trưởng lý giải về nguyên nhân, từ tháng 10/2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư Pháp nhưng cho tới nay Nghị định về dùng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư BT vẫn chưa được ban hành.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã lên tiếng giải trình về nhiều vấn đề nóng trong phiên họp Quốc hội sáng nay (31/5), trong đó có nội dung về xây dựng Nghị định sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT (xây dựng - chuyển giao).
Bộ trưởng cho biết, điểm vướng mắc khi soạn thảo văn bản là phải đảm bảo nguyên tắc ngang giá khi sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Nguyên tắc trên đã được quy định tại Luật Quản lý sử dụng tài sản công nhưng thực tế, một số hợp đồng BT được ký từ trước ký Luật có hiệu lực thi hành và không đảm bảo nguyên tắc trên.
"Diện tích đất chấp thuận thanh toán cho nhà đầu tư có giá trị lớn hơn rất nhiều so với giá trị dự án BT. Đây là khó khăn lớn đòi hỏi phải xử lý phù hợp để quy định vào nghị định," Bộ trưởng nói.
Một điểm khó nữa theo Bộ trưởng là xác định giá đất thanh toán cho nhà đầu tư. Theo quy định, việc xác định trên phải theo giá thị trường. Tuy nhiên, thực tế, thời gian qua, việc xác định giá đất chưa đạt mục tiêu, nguyên tắc trên bởi đa số giá thấp hơn thị trường. Đặc biệt, giá đất thường có xu hướng tăng lên sau khi đầu tư cơ sở hạ tầng.
Nguyên nhân của tình trạng trên được chỉ ra là do từ phương pháp xác định giá đất tới cách tổ chức thực hiện còn bất cập.
Người đứng đầu ngành tài chính cũng đề cập tới vấn đề khi thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền đấu giá quyền sử dụng đất. Theo quy định, việc đấu giá chỉ được thực hiện với đất sạch, tức là đất đã giải phóng mặt bằng.
"Thực tế, các địa phương chấp thuận sử dụng đất chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư. Trong khi ấy, đây là những loại đất không đủ điều kiện đấu giá", ông nói.
Theo Bộ trưởng, từ tháng 10/2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư Pháp. Từ đó tới nay, Văn phòng Chính phủ đã ý kiến thành viên Chính phủ 3 lần, Chính phủ đã họp và Bộ Tài chính 10 lần báo cáo, tiếp thu giải trình, hoàn thiện dự thảo nghị định.
"Tới nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị định về BT và có văn bản báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành," Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính cũng giải trình một số nội dung về thu ngân sách năm 2018 không đạt dự toán ở 3 khu vực, bao gồm: Khu vực doanh nghiệp Nhà nước, khu vực khu vực doanh có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, nguyên nhân của tình trạng trên có cả khách quan và chủ quan. Cụ thể, năm 2018, dù kinh tế khởi sắc xong hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó. Các doanh nghiệp mới thành lập chủ yếu là vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ, các đơn vị này được hưởng ưu đãi thuế nên đóng góp vào thu ngân sách Nhà nước là không nhiều.
"Số doanh nghiệp lãi chỉ chiếm 40% tổng số doanh nghiệp nộp tờ khai thuế. Số doanh nghiệp phát sinh thuế giá trị gia tăng dương, tức là đầu ra lớn hơn đầu vào, chiếm khoảng 26% tổng số doanh nghiệp kê khai", ông nói.
Một trong những lý do khác theo ông là một số doanh nghiệp có số thu lớn tăng trưởng thấp hơn dự kiến, thậm chí giảm như: doanh nghiệp khai khoáng, khai thác dầu thô, khai thác khí đốt tự nhiên và sản xuất điện thoại di động.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, nguyên nhân chủ quan là do dự toán thu cao hơn khả năng thực tế. "So với thực hiện năm 2017, dự toán thu năm 2018 của khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 13,1%, từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 30,1% và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 20,4%. Trong khi ấy, tăng trưởng kinh tế và lạm phát cộng lại chỉ là 11%", ông nói.
Theo đó, năm 2019, dự toán năm 2019 đã được rút kinh nghiệm ở mức phù hợp hơn. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước bằng thực hiện năm trước, thu từ doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,4% và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 13,3%.
Phương Dung