Vướng mắc giao đất cho nhà đầu tư BT sắp được tháo gỡ

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu các cơ quan chuyên môn hoàn thiện dự thảo Nghị định về thanh toán tài sản công cho nhà đầu tư BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao).

Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị định về sử dụng tài sản công (chủ yếu là đất quy đổi) cho các nhà đầu tư dự án BT sau khi các dự án này hoàn thành.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính sớm có đề xuất cụ thể về thời gian ban hành Nghị định nói trên, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của luật pháp.

du an BT doi dat lay ha tang.jpg

Chính phủ yêu cầu nhanh chóng giải quyết những vướng mắc xung quanh việc giao tài sản công cho nhà đầu tư BT

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối tập hợp các ý kiến, kiến nghị về khó khăn vướng mắc trong triển khai hình thức BT, giao đất đổi lấy dự án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu làm rõ các hình thức giao đất theo nguyên tắc ngang giá, không thông qua đấu giá; lý do không thể đấu thầu đồng thời dự án BT và đấu giá quyền sử dụng đất; hình thức thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền đấu giá quyền sử dụng đất; tính pháp lý của việc sử dụng quỹ đất chưa giải phóng mặt bằng (chưa được coi là tài sản công) để thanh toán.

Phó Thủ tướng yêu cầu căn cứ nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính phải làm rõ cơ sở pháp lý của điều khoản chuyển tiếp tại dự thảo Nghị định, trong đó giải trình rõ hơn về sự chưa phù hợp của Điều 1 Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 28/12/2018 của Chính phủ đối với các hợp đồng BT đã ký trước ngày 1/1/2018.

Trước đó, tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương diễn ra cuối năm 2018, một số địa phương đã kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương về khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục thanh toán tài sản công cho nhà đầu tư.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết thành phố này đã ký hợp đồng với một số nhà đầu tư BT để triển khai các dự án có khối lượng xây dựng hoàn thành khá lớn. Thành phố cũng đã chuẩn bị đất đai để thanh toán. Tuy nhiên, quyết định của Bộ Tài chính tạm dừng thanh toán cho các dự án BT khiến thành phố bị phạt do không thể thanh toán. Mức phạt hợp đồng tương ứng lãi suất 7,8% một năm.

Cũng tại cuộc họp nói trên, ông Bùi Văn Hải - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho hay tỉnh này có nhiều dự án BT được triển khai và hoàn thành với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng chưa thể giao đất cho nhà đầu tư khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn.

Lãnh đạo TP. Cần Thơ cũng cho biết việc dừng thanh toán cho nhà đầu tư đang gây khó trong chủ trương thu hút vốn tư nhân của tỉnh thời gian tới.

Từ tháng 10/2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT. Đến nay, văn bản này vẫn chưa được ban hành. Tuy nhiên, trong thời gian đó, Bộ Tài chính đã có yêu cầu các bộ, ngành, địa phương từ 1/1/2018 dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho nhà đầu tư cho đến khi Nghị định của Chính phủ có hiệu lực.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 160/NQ-CP về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT.

Cụ thể, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư được ký kết theo quy định của pháp luật trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán thì tiếp tục thực hiện thanh toán theo nội dung Hợp đồng BT đã ký kết.

Đối với các Hợp đồng BT được ký kết từ ngày 1/1/2018 yêu cầu các Bộ, ngành địa phương rà soát lại nội dung của hợp đồng, nếu phù hợp với quy định của pháp luật thì tiếp tục thực hiện thanh toán theo quy định của Hợp đồng BT.

Trường hợp nếu có nội dung chưa phù hợp với các quy định của pháp luật thì phải đàm phán điều chỉnh lại nội dung hợp đồng BT cho phù hợp với các quy định pháp luật nêu trên.

Các Bộ, ngành và địa phương rà soát và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật các sai phạm nếu có. Đồng thời Chính phủ yêu cầu không được làm thất thoát tài sản công, không để tham nhũng, lợi ích nhóm thao túng lợi dụng BT.

Trường hợp phát hiện có vi phạm nhưng chưa gây thất thoát tài sản nhà nước thì phải điều chỉnh lại Hợp đồng BT; nếu phát hiện vi phạm thì phải điều chỉnh hoặc hủy Hợp đồng BT, thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm