Thanh khoản chứng khoán thấp nhất 2 năm, nhà đầu tư nghỉ Tết sớm?

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Thị trường chứng khoán vừa trải qua phiên giao dịch khá ảm đạm. Nhà đầu tư dường như không hào hứng giao dịch, khiến thanh khoản giảm mạnh. Tâm lý thận trọng bao trùm thị trường.

Chốt phiên giao dịch ngày 9/1, tiền vào thị trường chỉ khoảng 7.500 tỷ đồng, thấp nhất trong khoảng 2 năm trở lại đây và cách xa so với những ngày có thanh khoản vượt 1 tỷ USD giai đoạn 2022-2023.

Thậm chí, trong phiên giao dịch hôm qua, thị trường có 711 mã cổ phiếu không có thanh khoản. Sắc đỏ bao trùm toàn thị trường, lan rộng ở nhiều ngành nghề khác nhau, thậm chí cả những ngành nghề vốn được xem là trụ cột, có vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản.

Nói với phóng viên báo Dân trí, ông Đinh Minh Trí - Trưởng phòng Phân tích, Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Mirae Asset - nhận định thanh khoản thị trường đã suy yếu trong vài tuần trở lại đây, không riêng gì phiên giao dịch hôm qua.

Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là tính chu kỳ, thanh khoản thị trường gần Tết Nguyên đán đều thấp. Thứ hai, tỷ giá đồng USD đang tiệm cận ở vùng cao, tạo áp lực bán ròng lớn cho khối ngoại; dòng tiền lớn cũng ngại tham gia thị trường ở giai đoạn hiện tại.

Nguyên nhân thứ ba cũng khá quan trọng, là kết quả kinh doanh phân hóa ở nhiều nhóm ngành. Ngoài một số ngành có lợi nhuận cao như ngân hàng, viễn thông thì các nhóm còn lại như bất động sản, vật liệu xây dựng, đầu tư công đang chịu áp lực khá lớn. Lực cầu tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm cũng yếu hơn, ở thế phòng thủ.

Ông Trí cho rằng trong năm 2024, VN-Index tăng 12% nhưng thị trường chỉ có một số nhóm ngành tăng giá như công nghệ thông tin, "họ Viettel". Một số nhóm ngành khác thì cổ phiếu đang dò đáy. Bức tranh cổ phiếu năm 2024 phân hóa mạnh do hoạt động kinh doanh chung có nhiều xáo trộn.

Vì vậy, theo ông, tùy quan điểm chấp thuận rủi ro mà nhà đầu tư có thể lựa chọn cho mình những nhóm ngành, cổ phiếu phù hợp. Năm nay, nhà đầu tư có thể cân nhắc xoay chuyển, tư duy chọn nhóm cổ phiếu đang ở mặt bằng giá thấp, sức khỏe tài chính tốt, tỷ lệ nợ vay thấp để có khả năng vượt khủng hoảng, vươn lên phục hồi.

Đồng thời, ông Trí nêu từ nay tới ngày 20/1 (ngày nhậm chức chính thức của Tổng thống Mỹ), thậm chí sau Tết Nguyên đán, tâm lý thị trường chung vẫn vô cùng thận trọng trước các ẩn số về tình hình chính trị thế giới. Thanh khoản của thị trường có thể vẫn duy trì vùng thấp ngay cả sau Tết khi những quyết sách mới của Tổng thống Trump sẽ bắt đầu thực thi.

Đồng quan điểm, ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu - Chuyên gia Chiến lược Đầu tư, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư (SSI Research) - thừa nhận thanh khoản thị trường đã duy trì ở vùng thấp 10.000-12.000 tỷ đồng trong suốt 2023-2024 ở nhiều phiên điều chỉnh. Trong phiên hôm qua, thanh khoản tiếp tục về vùng đáy và có thể diễn ra ở một vài phiên tiếp theo. Quan điểm được ông Hiếu chia sẻ trong chương trình tư vấn đầu tư "Cafe Chứng" sáng nay (10/1).

Chuyên gia này phân tích, trong 10 năm gần đây, thị trường thường có diễn biến thanh khoản suy giảm trước Tết và qua Tết khởi sắc trở lại. Ở thời điểm này, thị trường đang ở nền thanh khoản thấp nên khó tìm kiếm cơ hội đầu tư trong ngắn hạn. Nhà đầu tư nên tìm kiếm cơ hội đầu tư cổ phiếu ở vùng giá thấp, phù hợp cho góc nhìn trung và dài hạn.

Thanh khoản chứng khoán thấp nhất 2 năm, nhà đầu tư nghỉ Tết sớm? - 1

Nhà đầu tư thận trọng với thị trường chứng khoán gần Tết Âm lịch (Ảnh: Đăng Đức).

Theo báo cáo mới nhất của quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng The Ballad Fund (thuộc SGI Capital), đơn vị này lại khá thận trọng khi dự báo về thị trường chứng khoán năm nay. Cụ thể, quỹ cho rằng thị trường bước vào năm 2025 kém thuận lợi hơn so với năm trước, bởi 2 lực đẩy quan trọng là dòng tiền và tăng trưởng nội tại doanh nghiệp đều có biểu hiện suy yếu đáng kể.

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ nới lỏng đã hết dư địa, kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải huy động một lượng vốn lớn tương ứng.

Điều này có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng mạnh hơn kỳ vọng và ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền nội trên thị trường chứng khoán, vốn đã cạn kiệt sau những đợt bán ròng của khối ngoại và phát hành từ doanh nghiệp niêm yết (chủ yếu là ngành chứng khoán và bất động sản).

Những giai đoạn nới lỏng tiền tệ luôn chứng kiến dòng tiền nội chảy vào thị trường chứng khoán mạnh mẽ, hấp thụ và thậm chí áp đảo nguồn cung khối ngoại. Tuy nhiên, khi giai đoạn nới lỏng qua đi, lãi suất sẽ nhích tăng trở lại, dòng tiền nội suy yếu khiến thanh khoản tụt giảm. Rủi ro thị trường giảm giá sẽ tăng nếu khối ngoại vẫn duy trì bán ròng, hoặc có những biến cố khiến nguồn cung cổ phiếu tăng đột biến.

Ở cuối mỗi chu kỳ nới lỏng tiền tệ, sau khi dòng tiền và lượng lớn nhà đầu tư mới đã tham gia thị trường, cơ hội tốt sẽ trở nên khó tìm và sức hấp dẫn của chứng khoán cũng giảm bớt. Dòng tiền sau đó sẽ bị chia sẻ với các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng hay tiền số.

Trong bối cảnh kém thuận lợi về dòng tiền, ở mức định giá chung không rẻ, diễn biến giá mỗi cổ phiếu sẽ phụ thuộc nhiều vào sức mạnh nội tại của doanh nghiệp và năng lực tài chính của cổ đông. Sự phân hóa có thể diễn ra rất khắc nghiệt trong môi trường dòng tiền yếu của năm nay.

Đơn vị trên cho rằng, thị trường đang đi tới khúc cuối của giai đoạn dao động trong biên hẹp khi sức mua suy yếu, thanh khoản tụt giảm và số lượng cổ phiếu rơi vào pha thủng nền tích lũy ngày càng nhiều.

Nhà đầu tư nên ưu tiên bảo toàn vốn, luôn giữ sự chủ động và chuẩn bị tốt sức mua trong giai đoạn này sẽ mang lại lợi thế khi thị trường mang tới cơ hội từ những biến động lớn và bất ngờ của năm nay.