1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thành công với loài lan Mokara

Đã ngoài 75 tuổi, nhưng hàng ngày ông Huỳnh Văn Sánh (Sáu Sánh), ngụ khu phố 6, phường Định Hòa, thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) vẫn không ngại đi để sưu tầm, ghi danh tên mình ở nhiều lớp học để chinh phục loài hoa lan khó tính.

Với hơn 6.000 gốc lan Mokara đang sinh trưởng tốt, đã đem lại lợi nhuận cho ông không dưới 10 triệu đồng/tháng.

 

Thành công với loài lan Mokara - 1
Ông Sáu bên vườn lan của mình

 

Vào những ngày cuối năm như hiện nay, ông lại tất bật công việc ở vườn lan hơn bao giờ hết. Hơn 6.000 gốc lan của ông hiện cây nào cũng xanh tươi, đang hứa hẹn một mùa bội thu, nhưng xem ra ông Sáu vẫn chưa hài lòng.

 

Theo ông, thành hay bại của người trồng hoa phải bước qua tháng 11 (âm lịch), bởi khoảng thời gian từ nay đến đó khí hậu biến đổi thất thường nên phải hết sức cẩn thận. Vì thế, ngoài việc bón phân, thuốc hợp lý, phải tưới cho lan vào sáng sớm để phòng trừ sương muối.

 

Cách đây không lâu, ông tìm về phường Định Hòa mua 2.000m2 đất lập nghiệp. Với những người làm nông trong tỉnh, thì quỹ đất ấy chẳng thấm vào đâu, nhưng với ông là quá đủ để thỏa chí đam mê.

 

Ở đây, ông từng nuôi gà đẻ trừng, cút khá thành công nhưng rồi ông đã dẹp bỏ vì sợ ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe người khác. Năm 2006, ông lại tiếp tục tìm về TP.HCM học tập mô hình trồng hoa lan. Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn, mảnh vườn của ông đã có trên 4.000 gốc Delro xanh tốt, trung bình mỗi tháng cho thu không dưới 6 triệu đồng.

 

Nhưng ngặt nỗi khi ông đang tính đến chuyện nhân rộng và đầu tư dài lâu thì bỗng nhiên cả vườn lan lâm bệnh, nhiều cây có dấu hiệu vàng lá rồi tàn dần.

 

Ông Sáu khẳng định: “Không phải mình không biết cách trồng hay chăm sóc, mà nguyên nhân chính là loài lan này không thích hợp với khí hậu cũng như nguồn nước ở khu vực thị xã Thủ Dầu Một”.

 

Mất nhiều vốn, công sức bỏ ra, nhưng ông Sáu vẫn quyết tâm chinh phục loài hoa khó tính này cho bằng được. Sau một thời gian đưa vào trồng thí nghiệm nhiều loài lan khác nhau, ông đã chọn loài lan Mokara để nhân rộng.

 

Theo ông Sáu, loài lan này không chỉ thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở khu vực TX.TDM mà còn phát triển rất tốt. Trung bình khoảng 6 tháng sau khi trồng thì cây sẽ cho hoa. Nếu chăm sóc tốt, trung bình mỗi nhánh khi bán ra thị trường từ 10.000- 13.000 đồng; hiện rất nhiều shop hoa trên địa bàn TX.TDM đặt mua.

 

Nói về kỹ thuật trồng loài lan Mokara, ông Sáu cho biết cũng không quá khó, chỉ đầu tư vốn hơi nặng khoảng 50.000 đồng/gốc. Tuy nhiên, khi cây đã trưởng thành, có thể chiết phần ngọn để nhân rộng. Lan Mokara chủ yếu dùng phân bón chính là NPK, xác cá, bánh dầu, rong biển... pha loãng với nước rồi phun lên lá.

 

Thông thường, hoa lan được trồng trên xác vỏ đậu phộng, nhưng thời gian gần đây, ông Sáu đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới khi đem trồng trên đá xanh (đá 1x2), nhưng hoa vẫn phát triển rất tốt.

 

Theo ông Sáu, hoa lan chủ yếu hấp thụ phân, thuốc qua lá để phát triển, vì thế dù có trồng trên đá hay vỏ đậu phộng thì cũng chẳng khác gì nhau, bởi trong đá cũng có nhiều khoáng chất cần thiết cho cây. Hơn nữa, khi đem trồng trên đá thì khỏi phải tốn công nhổ cỏ và được tái sử dụng nhiều vụ.

 

Ông còn mạnh dạn đầu tư cả trăm triệu đồng khi lắp đặt hệ thống tưới tự động cho cả vườn lan nên rất ít tốn công chăm sóc.

 

Từ chỗ cần cù lao động, tìm kiếm cách làm hay, ông Sáu đã nhân rộng mô hình này cho hơn 10 hộ trong khu phố cùng trồng và đã đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt, mô hình này rất thích hợp với người lớn tuổi, tận dụng tối đa diện tích đất trống ít ỏi ở phố thị.

Theo Quang Tám - Trí Dũng
Báo Bình Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm