Tham gia hàng loạt FTA: Xin đừng “thờ ơ" với cơ hội!

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp không rõ về FTA và nhiều lúc bỏ qua cơ hội. Đáng nói, những doanh nghiệp ấy có thể hưởng lợi từ các FTA nhưng không biết đó là chính từ các FTA mà Việt Nam đã ký.

 Doanh nghiệp cần chủ động, đừng trông chờ

Việt Nam tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra cơ hội lớn cho sản xuất và xuất khẩu hàng hoá. Tuy nhiên nếu không hiểu rõ, không tận dụng được nó thì sẽ đem lại "mối nguy" ngay trên sân nhà.

Điều này không phải là vấn đề mới và được các chuyên gia, cơ quan quản lý lưu ý, cảnh báo rất nhiều tại bất kỳ một cuộc phổ biến, tuyên truyền nào về FTA.

Tham gia hàng loạt FTA: Xin đừng “thờ ơ với cơ hội! - 1

Dệt may - da giày là những ngành có tỷ lệ tận dụng FTA tương đối tốt.

Thế nhưng thực tế con số tỷ lệ doanh nghiệp có hiểu biết sâu về các FTA hầu như rất nhỏ. Theo thống kế có hiệp định với mức độ hiểu biết sâu chỉ 1%.

Trao đổi với PV Dân trí, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam - cho biết: Thực tế có nhiều doanh nghiệp không biết nhiều về FTA và nhiều lúc bỏ qua cơ hội. Đáng nói, những doanh nghiệp ấy có thể hưởng lợi từ các FTA mà họ không biết là đang được hưởng lợi trực tiếp từ các FTA mà Việt Nam mình đã ký.

“Doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm tự tìm hiểu hoặc phổ biến cho các hội viên của mình. Đừng có tâm lý luôn luôn trông chờ vào việc Nhà nước sẽ mang các thông tin đó cho mình bởi đây là nền kinh tế thị trường” - ông Bình nói.

Cũng là một người từng trải khi làm doanh nghiệp, vị chuyên gia cho rằng Nhà nước sẽ thực thi các vai trò của Nhà nước nhưng các doanh nghiệp, hiệp hội phải chủ động thực thi các vai trò của mình, đặc biệt trong môi trường cạnh tranh.

Điểm đáng khích lệ theo ông Bình, không phải tất cả các doanh nghiệp đều thờ ơ hoặc không nắm được về các FTA. Cũng có nhiều doanh nghiệp đã âm thầm nghiên cứu, theo dõi, thuê chuyên gia, luật sư tìm hiểu về các hiệp định này cũng như chuẩn bị các yếu tố cần thiết.

“Họ nghiên cứu và hiểu rất sâu. Họ hiểu được lợi ích từ việc này và họ có nguồn nhân lực, trình độ quản lý, lãnh đạo, cũng như tầm nhìn khác biệt” - ông Bình cho rằng cần nhân rộng những điều này sang các doanh nghiệp khác.

Theo Bộ Công Thương, một FTA chỉ thực sự đem lại lợi ích nếu vận dụng được các ưu đãi được cam kết trong hiệp định.

Để làm điều này, vai trò doanh nghiệp là quan trọng nhất. Ở các nước khác, doanh nghiệp lớn thì có bộ phận pháp lý nghiên cứu, doanh nghiệp nhỏ thông qua hiệp hội. Không bao giờ doanh nghiệp hỏi chính phủ cơ hội nằm ở đâu.

Một lãnh đạo Bộ Công Thương từng chia sẻ một cách ví von rằng điệu Tango phải có 2 người, Nhà nước không thể cứ ra sức làm, nhưng ở phía bên kia (doanh nghiệp - PV) sự chủ động lại yếu.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận xét rằng, Việt Nam không giống các nước khác, nên dù doanh nghiệp chưa chủ động, thì cơ quan nhà nước cũng phải làm sao để cung cấp thông tin, làm sao để doanh nghiệp sốt ruột mà chủ động tìm kiếm thông tin. Chưa kể nhiều các cam kết khó quá, trong rất nhiều vấn đề, chỉ có người đi đàm phán mới biết.

Cần đánh giá toàn diện về FTA

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - cho biết; Các FTA trong đó có EVFTA (chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 - PV) mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt cũng rất lớn.

Khi tham gia các sân chơi này, ông Thân lưu ý doanh nghiệp về tính chủ động. "Thời đại hội nhập mà không đi nghe, đi hiểu thì rất nguy hiểm. Không cẩn thận chúng ta không những thua về khả năng mà còn thua cả về luật" - ông Thân nói.

Tuy nhiên, hiểu biết hay nắm rõ quan trọng nhưng một điều cần thiết không kém, đó là nguồn lực. Ông Thân băn khoăn, nguồn vốn rất quan trọng đối với các doanh nghiệp. Trong khi đó, đây là nút thắt vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay.

Theo thống kê, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98% trong tổng số doanh nghiệp cả nước, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ chiếm đến 70%.

“Các doanh nghiệp không khỏi lúng túng, trăn trở vì nguồn vốn hạn chế. Trong khi các điều kiện của EVFTA về công nghệ kỹ thuật, môi trường, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, tỷ lệ nội địa hoá… là rất khắt khe, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư lớn” - ông Thân nói.

Không chỉ khó khăn khi cộng đồng doanh nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cũng cho rằng, doanh nghiệp còn quá nhiều mối lo lắng, bận tâm khác, chẳng hạn như trong bối cảnh đại dịch phức tạp như hiện nay.

“Đây sẽ là một quá trình lâu dài, cần nhiều hoạt động để lan tỏa nhận thức và kiến thức trong doanh nghiệp. Hơn nữa, cần nhìn FTA về các lợi ích gián tiếp như các cải cách mà mình đã thực hiện nữa" - ông Bình nói và cho rằng việc mở rộng thị trường, nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi từ thị trường mở rộng, nhưng họ không biết đó là nhờ các FTA, cần có đánh giá toàn diện hơn về hiệu quả tận dụng các FTA.

Đại diện một số doanh nghiệp cũng từng chia sẻ tại các hội nghị về FTA, họ khó khăn cả về vốn, nguồn lực. Khi đề cập đến những FTA mới được ký như EVFTA, họ nói thực tế bây giờ mọi thứ vẫn còn “chung chiêng", khiến nhiều doanh nghiệp khó nắm bắt cơ hội.

Bên cạnh đó bàn về tận dụng hiệu quả các FTA cũng cần phải nhắc đến những yếu tố khác, ngoài vấn đề từ chính doanh nghiệp. Chẳng hạn như CPTPP, đây là một FTA từng được kỳ vọng rất lớn nhưng hiệu quả đem lại cũng chưa cao.

Theo số liệu Bộ Công Thương, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường ở CPTPP chỉ đạt dưới 2% chủ yếu do trong đó chỉ có hai thị trường mới có FTA với Việt Nam là Canada, Mexico. Một số thị trường khác như Nhật Bản, Australia, New ZeaLand ít tận dụng ưu đãi thuế từ CPTPP do quy tắc xuất xứ CPTPP chặt hơn và mức cắt giảm thuế quan theo cam kết lại không bằng các FTA đã có.