1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hôm nay, Hiệp định thương mại EVFTA chính thức có hiệu lực

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Chính thức có hiệu lực trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn ra phức tạp, EVFTA được cả doanh nghiệp Việt Nam và EU kỳ vọng đem lại những tín hiệu tích cực trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt là Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, gọi tắt là Hiệp định IPA đã được khởi động và kết thúc trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định: Việc EVFTA đi vào thực thi trong bối cảnh dịch bệnh và biến động thị trường phức tạp, khó lường, được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội to lớn, tạo động lực mới vực dậy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Đồng thời thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư đi vào chiều sâu, hướng tới phát triển bền vững trong thời gian tới.

Bộ Công Thương cho biết sẽ cùng với hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại EU sẽ nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp hai bên khai thác tối đa lợi thế từ Hiệp định, tích cực triển khai chương trình hành động thực thi EVFTA, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao thương, kết nối đầu tư, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường.

Hôm nay, Hiệp định thương mại EVFTA chính thức có hiệu lực  - 1

Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn, đây cũng là thời điểm đặc biệt quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-EU.

Theo ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Công Thương: EU hiện là đối tác lớn của Việt Nam với 27 quốc gia thành viên, là khu vực có GDP lên tới 18.000 tỷ USD.

“Đối với EVFTA, lần đầu tiên chúng ta đạt tới tỉ lệ ưu đãi cao nhất trong số các đối tác thương mại của Việt Nam. Ngay trong vòng 7 năm đầu tiên khi thực thi Hiệp định, việc cắt giảm thuế quan cho các mặt hàng sản phẩm của Việt Nam sang EU lên tới 97%” - ông Trần Tuấn Anh cho biết.

Theo báo cáo khảo sát mới nhất về Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) của EuroCham, các doanh nghiệp châu Âu đã có những đánh giá tích cực về tiềm năng cũng như môi trường đầu tư và thương mại của Việt Nam.

Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công trên thế giới về ứng phó với đại dịch Covid-19, cho thấy việc xử lý hiệu quả và chắc chắn của Chính phủ đã có tác động rõ rệt và củng cố thêm niềm tin của các doanh nghiệp EU trong quá trình đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - cho biết: EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.

Ông Thân ví hiệp định như “làn gió mát lành” thổi vào khát vọng vươn lên của kinh tế Việt Nam, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu và đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế đang bị suy giảm và khó khăn trước tác động của Covid-19.

“Đối với người tiêu dùng, họ sẽ được mua các sản phẩm rẻ hơn do được miễn thuế hải quan. Người lao động cũng gia tăng cơ hội việc làm khi EVFTA được thực thi” - ông Thân nói.

Tuy nhiên ông Thân cũng cho biết doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với loạt thách thức rất lớn, thậm chí doanh nghiệp phải đối mặt với cả sự "sống còn".

"EVFTA là một sân chơi thương mại giữa EU và Việt Nam, nói đến sân chơi thì điều không thể tránh khỏi là sẽ có người thắng và người thua, do vậy sẽ có rất nhiều thay đổi đối với sự tồn tại của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải thay đổi, nếu không thay đổi và thích ứng kịp thời thì doanh nghiệp có thể sẽ không tồn tại được" - ông Thân nói.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - cũng cho rằng: EVFTA không phải tuyến cao tốc miễn phí mà doanh nghiệp Việt sẽ phải trả phí nếu muốn vào tuyến đường này.

Phí phải trả từ phía Chính phủ là bằng cách đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thể chế, chất lượng nguồn nhân lực. Ở góc độ doanh nghiệp, "phí" là việc nâng cấp quản trị, đầu tư thay đổi nguồn cung, chuỗi sản xuất, qua đó đáp ứng các yêu cầu quy tắc xuất xứ của hiệp định.

EU hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Hoa Kỳ) với kim ngạch hai chiều tăng gần 14 lần từ mức chỉ 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 15 lần từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm